The Piano Teacher (2001) – Bản dương cầm khắc khoải của tình yêu và dục vọng

“Suy cho cùng, bản chất của tình yêu cũng chính là cực điểm của sự tầm thường.”

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên năm 1983, The Piano Teacher của Michael Haneke dường như không chỉ là câu chuyện tình ái day dứt, bi ai, mà còn là sự bóc tách hoàn hảo, trần trụi về bản chất con người. Một tác phẩm nhuốm màu nhục dục, đi ngược lại với những lẽ thường đã tồn tại từ bấy lâu giữa xã hội bộn bề. Vẫn là những con người sống giữa cái vỏ bọc muôn thuở của “văn minh”, thế nhưng dưới ống kính Haneke, họ lại hiện lên với những bản năng nguyên thuỷ, dữ dội nhất. Khổ Dâm, Ham Muốn, chính là sợi chỉ đỏ xuyên suốt câu chuyện đầy nhiễu loạn của The Piano Teacher.

5 phút đầu tiên của bộ phim là một sự xuất thần, và dường như toàn bộ cuộc đời của nhân vật chính Erika Kohut (Isabelle Huppert) đã được thu vén trọn vẹn chỉ qua 5 phút ngắn ngủi ấy. Erika là một người phụ nữ đã 40 tuổi, nhưng vẫn phải sống dưới sự kiểm soát khắc nghiệt của mẹ mình. Nghịch lý được phơi bày trần trụi qua những phút giây đầu của tác phẩm, và đây cũng chính là xiềng xích giam cầm những khát khao nguyên thuỷ nhất của Erika. Mối quan hệ mẹ – con đầy bất thường ấy hiện lên không khác nào một sự hành xác của kẻ thống trị với kẻ bị trị. Những sang chấn từ cuộc sống ngột ngạt, tù túng đã huỷ diệt tâm hồn Erika. Ngoài đời, cô là giáo sư dạy piano tại nhạc viện. Erika có thể là một người chơi dương cầm điêu luyện, nhưng tuyệt nhiên không phải là một nghệ sĩ xuất chúng. Dưới cái vỏ bọc danh giá ấy, Erika cũng chỉ là người thầy hà khắc, cay nghiệt, vô hồn và vô cảm. Cảm xúc, với Erika, vừa là thứ quá đỗi xa vời, lại vừa là thứ hạ đẳng đáng bị chôn vùi, huỷ diệt.

phu huynh

Erika: “Tôi hoàn toàn không có cảm xúc. Ghim điều này vào trong đầu anh đi. Mà nếu tôi có cảm xúc đi chăng nữa, thì nó cũng sẽ không hạ gục được trí tuệ của tôi!”

Và dù ở bất cứ nơi đâu, thì Erika vẫn là kẻ tù đày ải trong một ngục thất vô hình. Điều duy nhất giải thoát được cho Erika, chính là sự thoả mãn cho những bản năng bị kìm nén, hay đúng hơn, là cho những ham muốn nhục dục của mình. Như một cách để “cân bằng” cho cuộc sống bị đày đoạ, Erika thường xuyên lui đến những shop bán đồ tình dục, xem phim khiêu dâm và thậm chí còn rình mò một cặp đôi trẻ làm tình. Những khía cạnh bóng tối của Erika dần được khai mở, ta kinh hãi, ghê sợ, nhưng rồi lại cảm thông, thương xót trước người phụ nữ khổ dâm ấy. Bởi lẽ, con người là vậy, luôn khao khát những điều bị cấm cản, những điều mà ta không có. Chỉ có khán giả là hiểu Erika, ngoài ra chẳng còn ai khác, đắng cay làm sao! Tâm hồn mục ruỗng của Erika cũng chỉ khát khao một bản dương cầm của tình yêu và dục vọng.

“Tại sao cậu lại xin lỗi tôi? Vì cậu là một thằng dâm dục à? Hay vì lũ bạn của cậu là một đám dâm dục? Hay là vì tất cả phụ nữ đều là bọn khốn vì biến cậu thành kẻ dâm dục?” – Erika đay nghiến một học sinh nam bị cô bắt gặp tại cửa hàng đồ khiêu dâm.

Cuộc đời giam cầm của Erika đã bước sang trang mới khi cô gặp Walter Klemmer (Benoît Magimel), một chàng trai trẻ tuổi đam mê chơi đàn dương cầm. Walter đã chủ động theo đuổi Erika, thậm chí còn thi để vào lớp học của cô. Sự xuất hiện của một chàng trai đang độ thanh xuân tựa như ngọn lửa thổi bùng khát vọng bấy lâu bị chôn vùi trong Erika. Hình tượng Walter chính là sự tương phản toàn diện với Erika. Một chàng thanh niên tài năng, tự tin, điển trai và giàu có. Walter khoe mẽ, vô lo, tự tại, khác với Erika – kẻ bị giam cầm trong chuẩn mực, quy tắc. Như một lẽ thường tình, điều gì đó trong Erika cảm thấy như bị đe doạ, lại vừa cảm thấy kích thích trước Walter. Dưới vỏ bọc mực thước, trí tuệ và thanh cao, bức tường phòng vệ của kẻ cô độc đang dần sụp đổ. Walter cố gắng tiếp cận, chinh phục Erika, còn Erika cố phủ nhận Walter, nhưng lại âm thầm mong muốn được yêu.

Từ khi Walter xuất hiện, Erika đã chìm ngập trong nhiều cung bậc cảm xúc, từ giận dữ, căm ghét, sợ hãi cho tới rung động. “Các cơ chế tự vệ của tâm lý giúp tạo nên lá chắn cho bản ngã, ngăn nó khỏi rơi vào xung đột do bản năng, siêu ngã và hiện thực tạo ra”. Nếu như trước đây, những cơ chế phòng vệ đã biến “cảm xúc” thành một khái niệm không tồn tại nơi tâm hồn Erika, thì giờ đây nó đang trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Cảm xúc sống dậy cũng là lúc Haneke cho ta chứng kiến thêm một khía cạnh mới nơi con người Erika. Vì lòng ghen tuông, cô đã gián tiếp dùng mảnh vỡ thuỷ tinh cứa nát tay một học sinh nữ của mình. Erika trong tình yêu, là một kẻ dễ bị tổn thương, nhưng cũng nhẫn tâm và tàn độc.

co giao piano

Walter: “Anh yêu em. Tại sao em lại làm đau anh?”

Lối hành động của Erika là sự giao hoà giữa cái cực điểm của tính thô bạo và tính thụ động. Một mặt, Erika vồ vập, hồ hởi lao vào tình ái cùng Walter, khát khao được gắn kết cùng chàng, thế nhưng mặt khác, cô hoàn toàn mơ hồ về thứ gọi là tình yêu, là xúc cảm. Erika không muốn giao tiếp một cách bình thường với người yêu, Erika muốn khổ dâm. Trong suốt cuộc đời, thứ tình yêu duy nhất mà Erika đón nhận được chính là qua sự thống trị của mẹ mình, và cô tin rằng, tình dục cùng ham muốn xác thịt là thứ duy nhất mà người đàn bà tàn độc ấy không thể kiểm soát, không thể tước đoạt đi từ mình. Lần đầu tiên trong đời, Erika muốn phơi bày tất cả mọi thứ.

Walter: “Hãy cứ để mặc đi. Hãy cứ cho phép bản thân sống thật với cảm xúc một lần!” – Walter dường như phát điên trước lối hành xử gò ép của Erika.

Với niềm tin và hy vọng đặt vào tình yêu mới, Erika đã bộc bạch hết những khát khao nhục dục, tra tấn, bạo dâm,… của mình qua một lá thư viết tay cho Walter, thế nhưng đây cũng chính là lúc tấn bi kịch được bắt đầu. Cầm trên tay lá thư tội lỗi, Walter cảm thấy ghê tởm và cự tuyệt lời thỉnh cầu của Erika. Vào buổi đêm ấy khi toàn bộ hy vọng bị dập tắt, Erika ngậm ngùi quay về giường nằm cùng mẹ mình, và “tấn công”, đè nghiến lên người mẹ, hôn ngấu nghiến lấy bà một cách thô bạo. Cảnh phim của Michael Haneke vừa trần trụi vừa ghê tởm, vừa ẩn chứa những uẩn khúc cuốn tâm trí con người vào vòng xoáy hỗn loạn. Tại sao lại như vậy, chẳng một ai lý giải nổi! Haneke đã đập tan những cái thông thường nhất, chuẩn mực nhất, và ở đây chẳng tồn tại một giới hạn nào cả.

Táo bạo và tàn bạo – bộ phim của Michael Haneke đã đoạt giải tại LHP Cannes năm 2001, đồng thời gây ra những luỗng tranh cãi trái ngược. Thế nhưng trên tất cả, tôi tin rằng đây vẫn là một kiệt tác psychosexual, một câu chuyện tình khắc khoải, trần trụi mà vẫn đầy chất thơ, một thước phim đập tan mọi rào cản và lối tư duy thông thường. Những cú máy dài, những bản nhạc du dương, tinh tế của Schubert đều góp phần làm nên cái hồn thơ thẩn cho tác phẩm của Michael Haneke. Nàng thơ của ông – nữ diễn viên Isabelle Huppert đã hoá thân xuất sắc thành một Erika của đời thực, một trái tim cô độc khao khát tình yêu. Dường nhìn chỉ một ánh nhìn của Isabelle cũng khiến ta rung cảm, phải, một ánh nhìn vừa tuyệt vọng, u hoài, vừa vô cảm lại vừa cháy bỏng khát khao.

giao vien piano 2001

The Piano Teacher là tác phẩm đầu tiên, và tính đến thời điểm hiện tại cũng là duy nhất mà tôi xem của Michael Haneke, thế nhưng nó lại ám ảnh tâm trí tôi đến mức khiến tôi phải đăm chiêu, dằn vặt suốt nhiều ngày. Tôi cũng tự nhủ sẽ phải tìm hiểu nhiều hơn về Michael Haneke, và cũng thật kỳ diệu, khi tôi – một kẻ hoàn toàn chưa từng nếm trải tình yêu, lại tự thấy hình ảnh bản thân trong thước phim kéo dài 2 giờ đồng hồ của Haneke.

Tôi thấy mình trong sự tù túng, cô độc của Erika, trong sự hiếu kỳ xen lẫn vô vọng về xúc cảm, về tình yêu và dục vọng. Một cảm giác rùng mình vì e sợ, và cũng bởi cảm giác hào hứng tột độ khi đắm chìm trong một tác phẩm táo bạo, “ly kỳ” đến vô đối. Chúng ta cảm thông, thương xót cho Erika, bởi chất “con người” của thước phim thật quá đỗi nguyên sơ, chân thật và gần gũi. Theo mạch phim, cảm xúc người xem được đưa lên cao trào trong phân cảnh Walter “chấp thuận mong cầu” của Erika, đánh đập, cưỡng bức Erika tàn nhẫn trong chính căn hộ của cô. Mọi thứ, dựa trên lý thuyết, đều đã thoả mãn khát khao của cả hai con người, thế nhưng với Erika, cô lại trở nên thất thần, hụt hẫng nơi hố sâu tuyệt vọng, còn Walter để chinh phục được Erika, đã phải trả giá bằng sự thương tổn và nỗi dằn vặt lương tâm, phẩm giá.

giao vien benh hoan

Nếu như 5 phút đầu tiên của bộ phim đã thu vén vào tầm mắt người xem về cuộc đời đày ải, giam cầm của Erika, thì 5 phút cuối cùng của bộ phim, lại là biểu trưng hoàn hảo cho sự tuyệt vọng, bế tắc của một tình yêu bị bóp nghẹt. Những vết bầm vẫn hiện rõ trên gương mặt thất thần, mỏi mệt, Erika đưa mắt kiếm tìm Walter giữa đám đông đến xem cô biểu diễn dương cầm, như thể cô đang cố tìm kiếm một tia hy vọng cuối cùng. Và khi hy vọng bị dập tắt hoàn toàn, khi tất cả những gì còn lại chỉ là nỗi ê chề nhục nhã, Erika, với gương mặt tưởng như không còn cảm xúc, đã dùng dao đâm vào ngực rồi bước ra khỏi nhà hát. Hành động dứt khoát mà kịch tính của Erika thể hiện khát vọng giải thoát bản thân khỏi sự thống khổ kéo dài miên viễn, đồng thời, đó cũng là cách Erika lấy lại lòng tự tôn, và đối diện với cơn cuồng phong cảm xúc trong tâm hồn. Cái kết day dứt, ảm đạm mà dữ dội của bộ phim khiến ta rơi vào trạng thái lặng tờ, khắc khoải, vừa băn khoăn lại vừa tiếc nuối. Trái tim rỉ máu của Erika là biểu trưng cho nỗi tuyệt vọng sâu thẳm nhất, và cũng đặt dấu chấm cho một cuộc tình bi ai. Suy cho cùng, Erika cũng chỉ là kẻ cô đơn đang khát khao tìm lại chính mình.

ĐỂ LẠI TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Có thể bạn quan tâm

Top 15 phim không thể bỏ qua những ngày...

#1. Chungking Express (1995)Mình thực sự không biết viết gì về phim này, vì trong mắt mình,...

My Broken Mariko – Một bộ phim khiến tim...

Kể cả khi chỉ còn là tro bụi, cậu vẫn lấp lánh, không thể nắm bắt nổi...

Bạn hiểu thế nào về Thiếu Niên và Chim...

🗣 CÓ THỂ BẠN CHƯA BIẾT: MỘT TRONG NHỮNG CÁCH ĐỂ THƯỞNG THỨC TRỌN VẸN VÀ NHÌN...