Kurt Cobain – Kẻ “ngoài lề xã hội” đấu tranh cho âm nhạc chân chính

Như nhiều tượng đài punk khác, Kurt Cobain được yêu quý khắp nơi không chỉ vì âm nhạc của anh, mà còn là vì những giá trị mà anh ấy đại diện. Thủ lĩnh quá cố của Nirvana là một người ủng hộ nữ quyền, một đồng minh của cộng đồng LGBTQ+, một người chống lại nạn phân biệt chủng tộc, và một thiên tài với tầm nhìn âm nhạc vượt thời. Anh công khai ủng hộ và thể hiện niềm tin của mình không chỉ qua bài hát hay sân khấu, mà còn trên báo chí, qua các cuộc phỏng vấn. Bằng một cách nào đó, Kurt Cobain vẫn có thể bán được hàng triệu album, lấp đầy những sân vận động nơi anh diễn bằng chính những gã từng bắt nạt mình hồi cấp 3.

KURT COBAIN

Trong cuốn sách mới được xuất bản mang tên: ‘Kurt Cobain: The Last Interview’, chúng ta được lần nữa nhìn lại những bài phỏng vấn kinh điển của Kurt. Cuốn sách tổng hợp 8 bài phỏng vấn Kurt Cobain, bao gồm những cuộc phỏng vấn từ những nhà báo ngành âm nhạc có tiếng như David Fricke và Jon Savage, cho đến phóng viên địa phương và chương trình radio trường đại học. Trong đó có 3 bài phỏng vấn chưa bao giờ được công bố. Ở phần giới thiệu, Dana Spiotta – tác giả cuốn ‘Stone Arabia’ và ‘Eat The Document’ – viết về những vật lộn của Kurt Cobain và chính các thành viên Nirvana, khi họ cố gắng chối bỏ danh tiếng của chính mình. Dana cũng khai thác quan điểm của Kurt trước bối cảnh văn hóa từ thời punk rock cho tới sự ‘tư bản hóa’ của thời đại âm nhạc trực tuyến. Qua lời kể của cô, Kurt Cobain nhận thức rất rõ ràng rằng có lẽ chính sự vật lộn đó của anh lại đang trở thành một món hàng

Sứ mệnh của người trẻ là không được đi theo vết xe đổ của thế hệ đi trước. Chúng ta có thể nhìn ra được một sợi dây kết nối giữa Holden Caulfield vào năm 1951, cho đến Nirvana vào năm 1991: họ có cùng một nỗi lo về sự giả dối, sự chi phối của doanh nghiệp, sự “mất chất”, ám ảnh phải đạt doanh số… Ngọn nguồn của những nỗi lo này lại truy ngược về lý tưởng về thế nào là chân thật. Chủ nghĩa tư bản lúc nào cũng hấp thụ và đè nén những xung đột, phản kháng của số ít – đó là lý do mà nó luôn tự tái tạo trong từng nhánh văn hoá khác nhau. Ở thời điểm những năm 90, Nirvana và Kurt Cobain có lẽ đã đạt đến đỉnh cao, và đó cũng là lúc những nỗi lo trước đó không còn duy trì được nữa. Kể từ đây, có lẽ các nhà phê bình sẽ phải có cách suy nghĩ khác.

Cobain, giống như bao đứa trẻ khác lớn lên sau chiến tranh Việt Nam, sau vụ bê bối chính trị Watergate, sau trào lưu văn hóa phản kháng 1960, tự nuôi dưỡng cho mình một phẩm chất: nỗi ám ảnh với sự mỉa mai nhưng cùng lúc đó lại muốn đảm bảo tính chân thực của mọi thứ. Ở thời điểm ấy, các sản phẩm trào phúng ngày càng phổ biến: tạp chí châm biếm Mad, Wacky Packages hay Saturday Night Life. Punk rock, dưới vỏ bọc mỉa mai của nó, âm thầm phủ định lại những hoài nghi kể trên.

Kurt vẫn thường chối bỏ việc anh có tham vọng, nhưng rồi cũng phải thừa nhận điều đó. Anh muốn được làm nhạc và có khán giả cho riêng mình. Ban đầu, Kurt thích làm việc với những hãng đĩa indie thay vì hãng có tiếng. Nhưng tình hình ấy không được lâu. Nirvana không còn là ban nhạc chơi trong gara nữa. Ngay cả việc kiếm tiền từ hãng đĩa của họ lúc bấy giờ là Sub Pop cũng đã vô cùng vất vả. Nirvana đã từng nghĩ rằng họ có thể chơi thứ nhạc mình muốn trong khi vẫn kiếm được tiền, giống như khi Sonic Youth ký hợp đồng với Geffen Records. Thế nhưng, sau khi Nirvana trở thành những ngôi sao âm nhạc hàng đầu thế giới nhờ sự thành công của ‘Nevermind’, điều đó lại càng khiến việc trung thành với gốc rễ punk rock của Kurt trở nên lung lay.

COBAIN

Nirvana than phiền về MTV, nhưng rốt cuộc họ cũng muốn tận dụng tên tuổi của MTV, giống như cách MTV muốn sử dụng danh tiếng của Nirvana. Họ chẳng hề thích việc biểu diễn ở những sân vận động lớn, vì khi ấy khán giả trở nên rời rạc và thiếu sự liên kết với nhau. Nhưng bây giờ, lượng fan hâm mộ họ bùng nổ quá nhanh. Và những fan đó là ai chứ? Những kẻ từng bắt nạt Kurt ngày trước cũng tự nhận mình là fan. Sự thật ấy làm Kurt sợ hãi. Khi phát hành album ‘Insecticide’, Kurt còn đặc biệt note vào album rằng:

“Nếu trong đây có bất cứ kẻ nào ghét người đồng tính, người da màu, hoặc phụ nữ, thì xin hãy giúp chúng tôi một việc: hãy để chúng tôi yên. Đừng bao giờ đến show hay mua nhạc của chúng tôi!”.

Đây là một khía cạnh rất thú vị trong hình ảnh đậm chất punk của Kurt Cobain. Anh không hề muốn trở thành một tượng đài nhạc rock, không hề muốn lợi dụng phụ nữ hay trở thành khuôn mẫu rockstar sặc mùi nam tính độc hại. Dù anh chỉ là một gã da trắng gầy gò, nhưng anh ấy không thuộc bất cứ khuôn mẫu nào, cũng chẳng phải là kẻ phân biệt chủng tộc hay giới tính. Kurt đồng cảm với người đồng tính, và anh ấy thích những người phụ nữ thông minh, mạnh mẽ.

Kurt rất lãng tử, nhưng anh ấy chẳng bao giờ chải tóc, thậm chí anh còn mặc những chiếc áo sweater mà ông của bạn sẽ thường mang. Kurt cũng mặc cả váy, nhưng chẳng phải là những bộ váy nam hào nhoáng như David Bowie, mà là những chiếc váy cũ từ tiệm đồ si, và thậm chí là cả áo bệnh nhân. Tất cả đều xuất phát từ tâm hồn mong manh, dễ tổn thương của Kurt.

Kurt từng mang một chiếc áo ghi “Những tạp chí lớn đều dở tệ” trên ảnh bìa của Rolling Stones, một trong những tạp chí nổi danh nhất thế giới – hay áo ghi tên những ban nhạc ít tiếng tăm để ủng hộ họ. Cũng giống như ban nhạc REM trước đó, Nirvana sử dụng sự phủ sóng của mình để giúp đỡ những nghệ sĩ khác. Anh đã từng mang chiếc áo của một ban nhạc nữ tên Frightwig trên sóng MTV Unplugged. Vào thời điểm đó, dù đài MTV muốn Nirvana chơi những bản hit Grunge, Kurt lại cứng đầu lựa chọn cover lại nhạc của Meat Puppets, The Vaselines, Leadbelly và David Bowie. Kurt đã thực sự đặt cả trái tim của mình vào màn cover những nhạc phẩm đó. Trong buổi phỏng vấn cuối cùng của Kurt, anh đã nói rằng: “Tôi chỉ có một vài tiếng đồng hồ để thử thay đổi góc nhìn của họ về thế giới này”.

Ở thời điểm hiện tại của những năm 2020, punk bỗng được xếp cùng loại với goth hay glam, nhấn mạnh vào một ‘phong cách thời trang’ hơn cả. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nghệ sĩ sẽ phải đầu tư nhiều vào cách họ ăn mặc, xuất hiện trên truyền thông và cách họ marketing cho sản phẩm của mình. Khái niệm thế nào là sự chân thật trong âm nhạc không chỉ xa vời hơn, mà còn khó định nghĩa hơn. Những mối quan tâm về âm nhạc như thời của Kurt Cobain vẫn còn, nhưng ta có thể nói rằng: vào những năm 1990, Kurt đã biết mình cần phải đấu tranh vì một thứ vô cùng giá trị, vượt lên cả những đấu tranh thường ngày.

ĐỂ LẠI TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Có thể bạn quan tâm

Bàn về nghệ thuật

Mọi người thường xem thường việc trả lời câu hỏi này, cho rằng đó là điều quá...

JAMES DEAN VÀ HÌNH TƯỢNG KẺ NỔI LOẠN CÔ...

“Hãy ước mơ như thể đời ta là vĩnh viễn, và sống như thể cái chết sẽ...

Những câu nói nổi tiếng và ý nghĩa của...

#1. Abraham Maslow“Nếu công cụ duy nhất bạn có là cái búa, thì bạn có xu hướng...