Định nghĩa thuyết hành vi

Tiếp cận hành vi là một trong những cố gắng rất lớn của tâm lý học thế giới đầu thế kỉ XX, nhằm khắc phục tính chủ quan trong nghiên cứu tâm lý người thời đó. Kết quả là đã hình thành trường phái có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển tâm lý học Mĩ và thế giới trong suốt thế kỷ XX: Tâm lý học hành vi, mà đại biểu là các nhà tâm lý học kiệt xuất: E.L.Thorndike (1874-1949), J.B.J.Watson (1878:1958), E.C.Tolman (1886-1959), K.L.Hull (1884-1952) và B.F.Skinner (1904-1990) và A. Bandura v.v…

Tâm lý học hành vi ra đời là một cuộc cách mạng, làm thay đổi cơ bản hệ thống quan niệm về tâm lý học đương thời. Theo đó, đối tượng của tâm lý học là hành vi chứ không phải ý thức. Phương pháp nghiên cứu là quan sát và thực nghiệm khách quan chứ không phải là nội quan. Trước và trong thời kỳ xuất hiện Thuyết hành vi, tâm lý học được hiểu là khoa học về ý thức và phương pháp nghiên cứu là nội quan (tự quan sát và giải thích). Ngay từ khi ra đời ở Đức năm 1879, với tư cách là khoa học độc lập, tâm lý học đã được mệnh danh là Tâm lý học nội quan. W.Wundt – người sáng lập ra Tâm lý học này, đã xác định đối tượng của tâm lý học là “tổ hợp các trạng thái mà ta nghiệm thấy – các trạng thái được trực tiếp thể nghiệm trong vòng ý thức khép kín”. Sự phát triển tiếp theo của Tâm lý học nội quan đã hình thành nên Tâm lý học cấu trúc ở Mĩ. Mặt khác, do nhu cầu khắc phục sự bế tắc của Tâm lý học nội quan, cũng ở Mĩ những năm này đã xuất hiện Tâm lý học chức năng. Tuy nhiên, trên thực tế, cả hai dòng phái đều không tạo lập được khoa học khách quan về ý thức. Lý luận của chúng gắn liền với phương pháp chủ quan, điều này gây sự thất vọng ở khắp mọi nơi.

Kết quả là, những vấn đề cơ bản của tâm lý học trở nên mờ mịt đối với nhiều người: Đối tượng nghiên cứu (ý thức) và nguồn gốc của nó (ý thức bắt đầu từ đâu), phương pháp nghiên cứu (nội quan, nguyên tắc giải thích: nguyên nhân tâm lý như là sự chế uớc của một số hiện tượng ý thức đối với các hiện tượng khác). Từ đó đã xuất hiện nhu cầu cấp thiết về đối tượng, phương pháp và nguyên tắc mới, đặc biệt ở Mĩ, nơi mà cách tiếp cận thực dụng trong nghiên cứu con người chiếm vai trò thống trị. Điều này đã được chứng minh bằng khuynh hướng chức năng, mà trọng tâm chú ý là vấn đề thích ứng của cá nhân với môi trường. Nhưng chủ nghĩa chức năng, vốn bắt nguồn từ các quan niệm thời cổ đại về ý thức như là một bản thế đặc biệt vươn tới mục đích, đã bị bất lực khi giải thích nguyên nhân điều khiển hành vi con người, sự tạo ra những hình thức hành vi mới.

Phương pháp chủ quan đã mất uy tín, phải nhường vị trí cho phương pháp khách quan. Ở đây, sinh lý học, đặc biệt là sinh lý học thần kinh đã đóng vai trò quan trọng, trong đó công đầu thuộc về nhà sinh lý học người Nga I.P.Pavlov, với khái niệm phản xạ có điều kiện. Về phương diện kỹ thuật, phương pháp nghiên cứu phản xạ có điều kiện cho phép ta nhận biết khách quan các phản ứng của cơ thể đối với một kích thích. Các nhà hành vi học đã không bỏ qua thành tựu này. Phương pháp phản xạ trở thành cứu cánh của họ. Mặt khác, sự phát triển của tâm lý học động vật đã mang lại cho Tâm lý học hành vi đối tượng nghiên cứu mới: hành vi của động vật. Sự xuất hiện những nghiệm thể mới – động vật – không có khả năng nội quan, đã đóng vai trò quan trọng giúp nhà nghiên cứu chuyển từ quan sát sang thực nghiệm. Hiệu quả tác động của nghiệm viên bây giờ không phải là tự “thông báo” của nghiệm thể về các trạng thái của mình (như trong Tâm lý học nội quan) mà là những phản ứng vận động – một điều hoàn toàn khách quan. Trong biên bản thực nghiệm đã xuất hiện các thông tin kiểu mới về nguyên tắc. Hơn nữa, chính những nguyên tắc và phương pháp này đã chịu ảnh hưởng trực tiếp của triết học thực chứng và chủ nghĩa cơ học, đang chi phối tinh thần nước Mĩ. Đó chính là hoàn cảnh tư tưởng – lý luận đã sinh ra Thuyết hành vi.

Nhân vật hàng đầu của Tâm lý học hành vi là J.Watson. Các luận điểm của ông là nền tảng lý luận của hệ thống tâm lý học này. Nói tới Tâm lý học hành vi, không thể không nói nhiều về các quan điểm đó. Tuy nhiên, một mình J.Watson không làm nên trường phái thống trị tâm lý học Mĩ và ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tâm lý học thế giới suốt thế kỷ XX. Trước J.Watson có nhiều bậc tiền bối, mà tư tưởng và kết quả thực nghiệm của họ là cơ sở trực tiếp, để trên đó Watson xây dựng các luận điểm then chốt của Tâm lý học hành vi. Sau J.Watson nhiều nhà tâm lý học lớn khác của Mĩ đã phát triển học thuyết này, đưa nó thành hệ thống tâm lý học đa dạng và bám rễ vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Vì vậy, có thể chia quá trình phát triển của Tâm lý học hành vi thành ba giai đoạn không hoàn toàn theo trật tự tuyến tính về thời gian: những cơ sở lý luận và thực nghiệm đầu tiên hình thành các luận điểm cơ bản (Thuyết hành vi cổ điển); sự phát triển tiếp theo của Tâm lý học hành vi, sau khi có các luận điểm của J.Watson (các thuyết hành vi mới và hậu hành vi).

ĐỂ LẠI TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Có thể bạn quan tâm

Con trai khi buồn

Con trai cũng có thể trải qua nhiều cảm xúc buồn bực khác nhau, mặc dù họ...

Người hướng nội khi yêu

Nhiều người bên ngoài thường đánh giá rằng tình yêu của những người sống hướng nội là...

3 quy tắc để phê bình một ai đó

#1. Chuẩn xác Khi bị chỉ trích một cách không chính xác, người ta thường chỉ chú ý...