Yêu đương lãng mạn theo kiểu truyền thống rất có thể lại là sự sai lầm trong tình cảm. Việc tin tưởng sâu sắc vào tình yêu đích thực dễ khiến bạn trở nên mù loà trước cả những điểm tốt lẫn điểm xấu của người mình yêu, mà đôi khi sẽ dẫn tới những kết quả vô cùng tai hại.
Bạn đã từng bao giờ kể lể các chuyện vướng mắc giữa mình và người yêu với bạn bè, thế nhưng họ thì lại cho rằng đó toàn là những chuyện không đáng bận tâm? Hoặc đã bao giờ bạn thấy bạn mình bắt đầu yêu một người mà bạn thấy là hoàn toàn không được, nhưng họ lại ngày càng quấn quýt nhau hơn?
Các nhà tâm lý học xác định rằng có hai thang bậc tình cảm ảnh hưởng tới chuyện tình yêu của chúng ta. Một là tầm quan trọng của ấn tượng đầu tiên và những dấu hiệu ban đầu cho thấy mức độ phù hợp của hai người, còn một là mức độ hợp tác giữa hai người trong việc giải quyết những vấn đề phát sinh. Chúng được gọi là các thuyết ẩn về mối quan hệ (bởi chúng ta không thường xuyên nói về chúng).
Hai thuyết này khi kết hợp lại với nhau sẽ cho biết liệu ta có phải là người muốn tránh thảo luận với người yêu hay bạn đời về các vấn đề chưa ổn trong quan hệ tình cảm hay không, có phải là người hay muốn tìm kiếm những lỗi lầm thật ra không tồn tại hay không, và có phải là người gây nặng nề cho quan hệ tình cảm hay không.
Những khác biệt giữa những hành vi ứng xử ngầm này cũng giúp ta hiểu lý do vì sao người khác có những lựa chọn trong tình yêu theo cách mà đối với chúng ta là không thể lý giải nổi.
Bạn tin rằng tình yêu đến từ cái nhìn đầu tiên, hay đó là thứ sẽ được bồi đắp theo thời gian?
Để tìm hiểu xem bạn được bao nhiêu điểm trong mỗi thang bậc tình cảm, hãy làm hai trắc nghiệm dưới đây.
Mức độ tri kỷ
Trả lời các câu hỏi dưới đây theo thang điểm từ 1 đến 7, với 1 là hoàn toàn không đồng ý và 7 là hoàn toàn đồng ý.
- Sự tốt đẹp trong tình yêu chủ yếu nằm ở chỗ người này có đúng là ‘Trời sinh’ cho người kia hay không.
- Ở đâu đó trong cuộc đời hẳn sẽ có một người hoàn hảo (hoặc gần như là hoàn hảo) dành cho tôi.
- Trong các cuộc hôn nhân, nhiều người khám phá ra (thay vì xây dựng, bồi đắp nên) mối quan hệ thân mật, gắn bó với vợ / chồng mình.
- Điều cực kỳ quan trọng là vợ / chồng tôi và tôi yêu nhau cuồng nhiệt sau khi kết hôn.
- Tôi không thể kết hôn trừ khi tôi cảm thấy yêu say đắm người đó.
- Chẳng có ai gọi là ‘Mr Right’ hay ‘Ms Right’ hết.
- Tôi muốn rằng người chồng / vợ tương lai của tôi sẽ là người tuyệt vời nhất tôi từng gặp.
Những ai đang đi tìm kiếm người phù hợp hoàn hảo với mình thì chỉ là đang lãng phí thời gian. - Lý do khiến hầu hết các cuộc hôn nhân trở nên thất bại là bởi người này không hợp tính với người kia.
- Sự gắn bó giữa hai người thường đã có sẵn từ trước khi bạn gặp người đó.
Bây giờ tính điểm. Đầu tiên là cộng tổng số điểm của bạn cho các câu 1, 2, 3, 4, 5, 7, 9 và 10. Với câu hỏi 6 và 8, bạn cần lấy 8 trừ đi số điểm bạn tự cho, và lấy số điểm thu được làm kết quả. Ví dụ nếu bạn cho câu đó 6 điểm, thì kết quả sẽ là (8 – 6 =) 2; bạn lấy 2 để cộng vào tổng số điểm. Sau khi có tổng số điểm cho 10 câu hỏi, hãy chia số đó cho 10 để có kết quả trung bình ở thang điểm này.
Mức độ xử lý khó khăn
Trả lời các câu hỏi sau theo thang điểm từ 1 đến 7, với 1 là hoàn toàn không đồng ý và 7 là hoàn toàn đồng ý.
- Sự tốt đẹp trong tình yêu hầu như nhờ vào mức độ nỗ lực của mỗi bên trong việc vun đắp mối quan hệ đó.
- Trong hôn nhân, sự nỗ lực của mỗi bên quan trọng hơn việc hai bên hợp tính nhau.
Trong mối quan hệ tình cảm, tình yêu sẽ lớn dần (thay vì tình yêu sẽ được tìm thấy). - Nếu hai bên cùng nỗ lực thì hầu hết các cuộc hôn nhân đều suôn sẻ.
- Tôi có thể vui vẻ cưới hầu như bất kỳ ai, nếu người đó là người biết điều.
- Lý do khiến hầu hết các cuộc hôn nhân thất bại là vì mọi người không chịu nỗ lực.
- Việc bạn biết một người rõ đến đâu phụ thuộc vào việc bạn biết người đó lâu tới mức nào.
- Nếu như có kết hôn với một người bất kỳ nào thì tôi cũng sẽ thấy hài lòng.
- Chỉ có qua thời gian bạn mới thực sự hiểu được về người bạn đời của mình.
Để tính điểm, bạn cộng tổng số điểm của các câu trả lời, rồi chia cho 9.
Các câu hỏi trên được trích ra từ Bảng Câu hỏi về Quan hệ Tình cảm do Renae Franiuk từ Đại học Aurora, Illinois, đưa ra trong chương trình nghiên cứu của bà.
Franiuk dùng thuật ngữ ‘Tri kỷ’ và ‘Xử lý Khó khăn’ để mô tả hai thang điểm này. Các nhà nghiên cứu khác thì dùng thuật ngữ ‘định mệnh’ và ‘trưởng thành’ để mô tả vấn đề tương tự.
Khi mối quan hệ gặp khó khăn thì những người có điểm cao trong thang điểm ‘trưởng thành’ thích nghi tốt hơn với tình thế
Nếu như bạn đạt điểm cao trong thang điểm ‘tri kỷ’ và ngạc nhiên vì điều này, Franiuk nói, thì bạn không phải là người duy nhất.
“Mọi người thường nghĩ rằng bản thân họ thuộc tuýp người có ‘khả năng xử lý vấn đề’ nhưng chúng tôi nhận thấy rất nhiều người thuộc tuýp ‘tri kỷ’.” Bây giờ bạn đã biết điểm của mình, vậy bạn cần tìm kiếm điều gì? Khi mối quan hệ vấp phải khó khăn, những người ghi điểm cao trong thang trưởng thành biết cách thích nghi tốt hơn.
Trên thực tế, việc phát sinh vấn đề cần giải quyết thường giúp làm mối quan hệ trở nên vững chắc hơn; những cặp đôi có điểm cao trong thang trưởng thành thực sự nói rằng họ cảm thấy tình cảm của họ trở nên tốt hơn sau khi khó khăn được giải quyết ổn thoả.
Với những người này, có lẽ cần có những vấn đề nhỏ, tương đối không gây ra hậu quả gì, phát sinh trong mối quan hệ để giữ cho họ phối hợp ăn ý với nhau. Cặp đôi càng đầu tư vào nhiều cho mối quan hệ của mình thì họ càng cảm thấy gắn bó với nhau hơn. Họ thích có những thách thức.
Vì những lý do này, những người tin vào sự trưởng thành sẽ bỏ qua những khác biệt lớn trong vấn đề phù hợp tính cách. Với họ, sự hợp nhau có lẽ sẽ được bồi đắp dần theo thời gian, và đó là thứ đáng để họ đầu tư công sức vào.
Khi nhận ra rằng ai đó không phải là tri kỷ của mình, những người tin vào ‘số phận’ có thể dễ dàng từ bỏ mối quan hệ
Những người mạnh mẽ tin vào số phận thì nghĩ ngược lại.
Cụ thể, trong những giai đoạn ban đầu, mỗi vấn đề phát sinh đều có thể dẫn đến đổ vỡ tình cảm, bởi người tin vào số phận nhận ra rằng người tri kỷ “hoàn hảo” của mình là người có lỗi. Người tin vào số phận cho rằng người yêu của mình “không bao giờ thực sự hiểu tôi” hoặc một sai lầm nho nhỏ chính là “bằng chứng cho thấy chúng tôi không hợp nhau”. Điều này thậm chí còn chính xác trong cả những trường hợp họ rấp hợp nhau, theo nghiên cứu của Franiuk.
Tệ hơn nữa là họ có thể rũ bỏ mối quan hệ theo cách thức rất khó chịu. Những người tin vào tình yêu đích thực nhiều khả năng ‘đoạn tuyệt’ những bạn tình cũ – tránh liên hệ cho tới khi người kia không còn nói chuyện với bạn nữa. Có lẽ bởi những người ám ảnh không cảm thấy đáng phải đầu tư vào việc duy trì mối quan hệ nếu người kia đối với họ không phải là người lý tưởng.
“Họ không coi đó là điều tiêu cực,” Gili Freedman, nhà tâm thần học tại trường St Mary’s College of Maryland, nói. “Mức điểm của bạn trong thang điểm trưởng thành nhìn chung có ít tác dụng, tuy rằng nếu như bạn đạt điểm cao trong thang trưởng thành thì nhiều khả năng bạn sẽ cảm thấy tiêu cực về chuyện ám ảnh người cũ.”
Những người tin vào “định mệnh” trong tình yêu có khuynh hướng không thảo luận về các vấn đề phát sinh trong quan hệ tình cảm, là những điểm có thể dẫn tới tâm trạng oán hận ngày càng gia tăng. Nếu như hai người không chia tay về một vấn đề nào đó – và vẫn tin rằng mình đã tìm được tình yêu đích thực – thì đơn giản là bởi người tin vào định mệnh đã bỏ qua vấn đề đó.
“Những người tin vào định mệnh có khuynh hướng dễ tha thứ cho người yêu hơn và nhiều khả năng muốn tránh xung đột bởi họ muốn tin rằng người đó chính là tri kỷ của mình,” Franiuk nói. Điều này có ý nghĩa tích cực đối với những bất đồng nho nhỏ. “Nhưng nếu bạn tránh né bất đồng lớn thì cuối cùng bạn sẽ gắn bó với một người có lẽ là không thích hợp với bạn.”
Và hậu quả của nó có thể sẽ là vô cùng nghiêm trọng. Những người tin vào định mệnh ở với nhau càng lâu thì càng có vẻ như dễ bỏ qua các vấn đề phát sinh, tự dối mình bằng cách cho rằng họ hợp nhau hơn là nhờ vào thời gian dài ở bên nhau.
“Chúng tôi thấy rằng những người theo thuyết định mệnh duy trì mối quan hệ với người không phù hợp với mình càng lâu thì họ càng dễ vấp phải tình trạng bạo lực,” Franiuk nói.
“Họ làm giảm tầm quan trọng của những bất ổn trong mối quan hệ. Họ sẽ cho đối phương thêm nhiều cơ hội. Một số người có thể nhận ra những dấu hiệu cảnh báo sớm và chấm dứt quan hệ. Tuy nhiên, có những người tuy nhận ra rằng họ đang ở cạnh người không phù hợp nhưng vì những lý do kinh tế nên họ vẫn duy trì mối quan hệ đó, và tính cách cá nhân khiến họ dễ dàng tha thứ hơn; điều đó đẩy họ và những tình thế nguy hiểm.”
Một khi đã là người tin vào định mệnh thì họ sẽ luôn là người tin vào định mệnh. “Niềm tin này được duy trì sâu sắc. Một khi họ tới độ tuổi 20, 30 thì tính cách khá là ổn định rồi. Giống như tính cách, việc xây dựng mối quan hệ được phát triển từ giai đoạn đầu – trẻ con hình thành những ý niệm này dựa trên những mối quan hệ xung quanh chúng,” Franiuk nói.
Những người tin vào ‘sự trưởng thành’ trong quan hệ thường trao đổi, chia sẻ với nhau dễ dàng hơn và hài lòng hơn trong mối quan hệ dài hạn. Các vấn đề phát sinh thậm chí sẽ khiến cho họ gắn bó với nhau hơn.
Hai thuyết ẩn này vậy nhưng không nhất thiết là độc lập với nhau. “Bạn có thể là người tin rằng mối quan hệ được cải thiện khi hai người hợp tác với nhau, nhưng [vẫn tin rằng] có ai đó là ‘người thích hợp’ đang chờ đợi mình đâu đó trong cuộc đời,” Freedman nói.
“Sẽ không mấy ai nghĩ rằng không thể đạt được sự trưởng thành. Chúng ta mong rằng những gì đã xảy ra trong quá khứ sẽ giúp chúng ta chín chắn hơn khi đến với những mối quan hệ mới.” Bởi vậy nên nếu tin vào định mệnh trong quan hệ tình cảm thì bạn sẽ kết thúc mối quan hệ đó một cách đau lòng, hoặc bạn phải nỗ lực tỉnh táo hơn để xử lý các vấn đề thay vì bỏ qua chúng.
Tình yêu đích thực không bao giờ diễn ra êm đềm, nhưng nhận biết rõ ràng về những khuynh hướng tình cảm của mình sẽ giúp chúng ta vượt qua được những trở ngại đó và đi tiếp bên nhau.