Có khi nào, dù đã rất buồn ngủ, nhưng bạn vẫn cố gắng căng mắt ra để lướt bảng tin, xem hết một bộ phim, đọc nốt một bộ truyện, tự hứa chỉ thức thêm một lúc, nhưng cuối cùng lại không dứt điện thoại ra được, càng xem càng tỉnh táo? Khoa học đã chỉ ra, khoảng thời gian từ 22:00-2:00 là khoảng thời gian cơ thể dùng để lọc máu và chữa lành. Tuy nhiên, giới trẻ hiện nay đang bắt đầu rơi vào trạng thái “Nghiện thức khuya”.
Tại sao chúng ta lại có thói quen này? Nhà tâm lý học Adler cho rằng, một cách để điều chỉnh những thiếu sót của cơ thể là bù trừ, cơ chế này giúp bạn giải tỏa lo lắng, bồn chồn và duy trì sự cân bằng tâm lý. Tuy nhiên sự bù trừ quá mức có thể dẫn tới các khiếm khuyết về tâm lý và thể chất. Chẳng hạn, bạn gặp vấn đề với việc học tập, bị giáo viên và bố mẹ trách móc, bạn tìm đến game, cảm giác chiến thắng sẽ giúp bạn lấy lại danh dự, từ đó sinh ra “nghiện game”.
Cũng giống như vậy, vào ban ngày, khi bạn phải dành tất cả thời gian cho công việc, học tập và gia đình bạn sẽ không còn thời gian riêng tư cho bản thân. Vậy bên, ban đêm chính là lúc bạn thỏa mãn bản thân, giải tỏa áp lực và bạn tin rằng “chỉ có thời gian ban đêm mới thực sự là của bạn”. Bạn tằn tiện giấc ngủ của mình, cố gắng thức lâu nhất có thể trước khi ngủ thiếp đi trong sự trống rỗng và hối hận.
Đến ngày hôm sau, vì thiếu ngủ cơ thể trở nên mệt mỏi và uể oải, dẫn đến hiệu quả công việc giảm sút. Hệ quả, bạn lại tiếp tục thức khuya để có thêm thời gian bù đắp cho khoảng thời gian kém năng suất, áp lực và đáng thất vọng của mình. Đây chính là vòng luẩn quẩn mà phần lớn người trẻ đang phải trải qua. Ngoài ra, điện thoại và mạng xã hội cũng là một thứ gây “nghiện” ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của bạn. Trong thời đại big data, mỗi khi bạn tìm kiếm, thích, bình luận, xem video hành động đó sẽ được lưu trữ và phác họa “chân dung người dùng”, từ đó những nội dung phù hợp với bạn sẽ được đẩy lên, điều này khiến bạn ngày càng nghiện lướt mạng xã hội và mua sắm, (đặc biệt với mua sắm có rất nhiều mã giảm giá vào ban đêm) Thế nên, bạn ngày càng mắc kẹt trong bong bóng lọc của riêng mình.
Ngoài ra, chúng ta sẽ buồn ngủ khi cơ thể tạo ra nhiều Melatonin. Sự bài tiết chất này chịu ảnh hưởng của ánh sáng bên ngoài, vậy nên bạn sẽ khó buồn ngủ hơn nếu cứ tiếp tục nhìn chằm chằm vào màn hình của điện thoại.
Dù ý thức được thức khuya không có lợi cho sức khỏe ( tỷ lệ suy giảm trí nhớ, lão hóa, ung thư cao hơn so với người bình thường), nhưng nhiều người vẫn không có đủ bản lĩnh để tắt điện thoại. Bạn cảm thấy tiếc nếu như không tận dụng hết khoảng thời gian trống này cho sở thích của mình, dần dần khó có thể kiểm soát được bản thân.
Tuy nhiên, càng nhiều tuổi, bạn sẽ càng thấu hiểu được tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Bạn sẽ thấy vào ban đêm, một giấc ngủ ngon chất lượng hơn rất nhiều so với những trò giải trí. Thói quen “Thức khuya để trả đũa” rất dễ gây nghiện và khiến bản thân bạn sa sút. “Phần thưởng” mà bạn được thỏa mãn sau những đêm thức dài cuối cùng vẫn chỉ là sự trống rỗng và một sức khỏe đi xuống trầm trọng.