8 bước thành công khi cuộc sống bạn đang khó khăn

“Hãy kiên trì!”

“Kiên cường lên!”

“Đừng bao giờ bỏ cuộc!”

Tôi đọc được rất nhiều thứ về tính kiên cường, kiên trì và lòng can đảm. Điều tôi không thấy là những thông tin chính thống về cách thức tăng cường những phẩm chất đó. Chúng ta làm thế nào để kiên cường hơn? Làm sao ta có thể nhún vai bỏ qua những thử thách to lớn trong cuộc sống, kiên trì và—và cuối cùng—đạt đến thành công?

Bởi vậy tôi đã xem xét về những tình huống khó khăn nhất để có được sự thấu hiểu sâu sắc. (Ai mà cần đến sự kiên cường trong những hoàn cảnh thoải mái dễ dàng, phải không nào?).

Khi đang mấp mé giữa sống và chết, người chiến thắng thường làm những việc gì mà người thất bại không làm? Hóa ra việc sống sót qua những tình thế nguy hiểm nhất mang lại một số bài học quý giá chúng ta có thể dùng để học cách trở nên kiên cường trong đời sống hàng ngày. Cho dù bạn đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp, một công việc khó khăn hay những bi kịch cá nhân, dưới đây là những hiểu biết có thể hữu ích cho bạn.

#1. Nhận biết và tin theo

  •  “Công ty đã có hai đợt sa thải trong năm nay nhưng tôi không bao giờ nghĩ họ sẽ đuổi tôi.”
  •  “Vâng, cuộc tranh cãi bắt đầu gay gắt hơn nhưng tôi không nghĩ rằng anh ta sẽ đánh tôi.”

Điều đầu tiên cần làm khi đối diện với khó khăn là đảm bảo rằng bạn nhận ra nó càng sớm càng tốt.

Nghe có vẻ rõ ràng nhưng tất cả chúng ta đều phủ nhận sự thật, không lúc này thì lúc khác. Những người đã sống sót qua những tình thế nguy hiểm đe dọa tính mạng có điểm gì chung?

Họ vượt qua “những giai đoạn đau buồn” đó từ phủ nhận sang chấp nhận nhanh hơn:

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

Họ ngay lập tức bắt đầu nhận ra, thừa nhận và thậm chí chấp nhận hoàn cảnh thực tế của họ… Họ đi qua sự phủ nhận, tức giận, mặc cả, trầm uất và chấp nhận rất nhanh chóng. Các bác sỹ nói điều gì khi họ có thể thương lượng để chữa trị thành công một vấn đề sức khỏe? “May mà chúng ta phát hiện ra nó sớm.”

Khi bạn không biết gì hoặc chối bỏ sự thật, mọi việc trở nên tồi tệ hơn—rất nhanh. Khi bạn biết mình đang lâm vào khó khăn, bạn có thể hành động. Không ai dám nói rằng hoang tưởng là tốt nhưng nghiên cứu cho thấy một chút lo lắng có tương quan với việc sống lâu hơn. Được rồi, như những gì họ nói trong AA (tổ chức dành cho người nghiện rượu), bạn thú nhận rằng bạn đang có một vấn đề. Điều tiếp theo mà những người kiên cường nhất sẽ làm là gì?

#2. Kiểm soát cảm xúc của bạn

Đôi lúc, khi các thợ lặn SCUBA bị chết đuối, họ vẫn còn không khí trong bình oxy. Nghiêm túc. Sao có thể như thế được? Có gì đó không ổn, họ hoảng loạn và theo bản năng kéo bộ điều chỉnh ra khỏi miệng.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

M. Ephimia Morphew, một nhà tâm lý học và người sáng lập tổ chức Society for Human Performance in Extreme Environments, đã kể cho tôi nghe về một loạt tai nạn mà bà ấy đang nghiên cứu trong đó các thợ lặn được tìm thấy đã chết với không khí còn trong bình của họ và các bộ điều chỉnh chức năng hoàn hảo. “Chỉ khi họ kéo bộ điều chỉnh ra khỏi miệng họ thì mới chết đuối. Phải mất một thời gian dài các nhà nghiên cứu mới biết được chuyện gì đang xảy ra.” Dường như một số người phải chịu một cảm giác nghẹt thở dữ dội khi bị che miệng. Điều đó dẫn đến một thôi thúc mãnh liệt phải gỡ bỏ bộ điều chỉnh ở miệng và mũi. Các nạn nhân đã làm theo một phản ứng cảm xúc nhìn chung là tốt ở sinh vật, để lấy được không khi. Nhưng đó là phản ứng sai lầm trong các trường hợp đặc biệt, phi tự nhiên của việc lặn biển có dùng bình dưỡng khí.

Khi bạn khó thở thì việc gỡ vật cản khỏi miệng bạn là hành động tự nhiên dễ hiểu? Bây giờ chỉ cần 1 giây ngắn ngủi suy nghĩ sáng suốt sẽ cho bạn biết đây là một ý tưởng rất tồi trong khi đang lặn— nhưng lúc bạn hoảng loạn, bạn không thể suy nghĩ thấu đáo. Đưa ra quyết định vội vàng hiếm khi mang lại kết quả tối ưu trong cuộc sống hàng ngày. Người kiên cường thừa nhận những tình huống khó khăn, giữ bình tĩnh và đánh giá mọi thứ một cách hợp lý để họ có thể lên kế hoạch và hành động.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

Al Siebert, trong cuốn sách của ông The Survivor Personality, đã viết rằng “Những người sống sót giỏi nhất hầu như không dành thời gian, đặc biệt là trong trường hợp khẩn cấp, để tức giận về những gì đã mất, hoặc đau buồn vì những điều tồi tệ…. Vì lý do này, họ thường không quá nghiêm khắc với bản thân và do đó rất khó bị đe dọa.”

Vì vậy, bạn biết mình đang gặp rắc rối nhưng bạn vẫn giữ bình tĩnh. Có thể có một cách đơn giản để vượt qua tất cả những vấn đề này chăng? Vâng.

#3. Hãy là người bỏ cuộc

Nhiều người trong số các bạn có thể thấy hơi bối rối lúc này: “Một bí mật cho tính kiên cường chính là biết từ bỏ? Điều đó thật là khó hiểu.” Chúng ta thấy điều gì ở những người sống sót trước những tình huống sinh tử? Nhiều người trong số họ đủ thông minh để tháo chạy từ sớm.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

“…Đó là chuyện nhìn lại bản thân và đánh giá khả năng của chính bạn và vị trí của bạn, và sau đó nhận ra tốt hơn nên từ bỏ và có cơ hội làm lại hơn là chạy theo nó và không thể quay lại.” Chúng ta là một xã hội của những người đạt được thành tựu xuất sắc, nhưng ở nơi hoang dã, động lực như vậy có thể gây chết người …

Cách tốt nhất để tránh ăn một quả bom từ máy bay chiến đấu và sống sót sau cơn bão là giống nhau: “Đừng ở đó khi nó đến.” Bạn bỏ bóng chày khi bạn 10 tuổi và bỏ chơi piano chỉ sau 2 buổi học. Chẳng có ai đủ khả năng theo đuổi tất cả mọi thứ. Bạn không thể đâu.

Khi công ty bắt đầu sa thải nhân viên, luôn có một anh chàng đủ thông minh để ngay lập tức chuồn khỏi công ty đó và sẵn sàng nhận một công việc mới. Và một số người đủ thông minh để nhận ra, tôi sẽ không bao giờ trở thành một vũ công Tango tuyệt vời và nên dành gấp đôi nỗ lực để chơi bài xì phé thì hơn.”

Và bạn có biết kết quả của loại bỏ cuộc này là gì không? Nó khiến bạn hạnh phúc hơn, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe.

Theo cuốn sách Think Like a Freak: The Authors of Freakonomics Offer to Retrain Your Brain:

Wrosch phát hiện thấy những ai từ bỏ các mục tiêu không thể đạt được của họ thì có được nhiều lợi ích về tâm lý và cơ thể. “Chẳng hạn, họ ít mắc phải các triệu chứng trầm cảm, ít ảnh hưởng tiêu cực theo thời gian,” ông cho biết. “Họ cũng có mức cortisol thấp hơn, và mức độ viêm toàn thân thấp hơn là một dấu hiệu của chức năng miễn dịch. Và họ ít gặp phải các vấn đề về sức khỏe thể chất hơn theo thời gian.”

Bạn có thể làm bất cứ điều gì – khi bạn ngừng cố gắng làm mọi thứ. Được rồi, có lẽ bạn không thể từ bỏ và cần kiên cường hơn. Nghiên cứu khuyên bạn có thể làm gì để can đảm hơn? Nghe có vẻ điên rồ…

#4. Hãy ảo tưởng

Marshall Goldsmith đã làm một nghiên cứu về những người cực kỳ thành công. Sau khi tập hợp tất cả dữ liệu, ông nhận ra điểm chung của tất cả bọn họ.

Và rồi ông hét lên: “Tất cả những người thành công này đều bị hoang tưởng!”

Theo cuốn sách Supersurvivors: The Surprising Link Between Suffering and Success:

“Điều này không nên bị hiểu lầm là điều xấu. Trên thực tế, sống ảo tưởng giúp chúng ta làm việc hiệu quả hơn. Theo định nghĩa, những ảo tưởng này không cần phải đúng đắn, chính xác. Nếu chúng hoàn toàn chính xác thì các mục tiêu của bạn sẽ quá bé mọn.” Goldsmith nhận thấy mặc dù ảo tưởng của sự kiểm soát khiến con người có nguy cơ thất bại, thì chúng cũng có một hiệu ứng rất thú vị: chúng thúc đẩy con người tiếp tục cố gắng ngay cả khi họ thất bại … “Những người thành công thất bại rất nhiều lần, nhưng họ cũng cố gắng rất nhiều. Khi mọi thứ xảy ra ngoài ý muốn, họ tiếp tục tiến lên cho đến khi một ý tưởng đạt thành công. Những người sống sót và các doanh nhân vĩ đại đều giống nhau ở điểm này.”

Những người thành công điên rồ và những người sống sót sau những tình thế gay go đều tự tin thái quá. Siêu tự tin. Một số người có thể vò đầu bứt tai tự hỏi: “Chẳng phải bước một nói về việc không được phủ nhận thực tế? Rằng bạn cần đối diện thực tế?”

Bạn cần phân biệt được giữa sự phủ nhận về tình thế và sự tự tin thái quá vào khả năng của bạn. Điều đầu tiên thì rất tệ, nhưng cái thứ hai có thể là khả quan. Hãy nhìn thực tế một cách chính xác— nhưng cứ tin rằng bạn là một ngôi sao nhạc rock.

Theo cuốn sách Supersurvivors: The Surprising Link Between Suffering and Success:

Phủ nhận hoặc bóp méo xuyên tạc một tình huống xấu có thể khuây khỏa trong ngắn hạn, nhưng nó là mối nguy tiềm ẩn về lâu dài vì bạn gần như không thể giải quyết được vấn đề trừ phi lúc đầu bạn thừa nhận rằng bạn đang có nó. Ngược lại, có niềm tin đặc biệt mạnh mẽ vào khả năng cá nhân của bản thân, ngay cả khi niềm tin đó có phần ảo tưởng, có thể giúp bạn giải quyết vấn đề … Một công thức toán học hữu ích, phần nào đơn giản, có thể là: một cái nhìn thực tế về tình hình + một quan điểm vững vàng về khả năng kiểm soát số phận của một người thông qua nỗ lực = hy vọng có căn cứ.

Bởi vậy, đây hẳn phải là cảm giác của các siêu anh hùng: có rất nhiều rắc rối, nhưng bạn vẫn bình tĩnh và cảm thấy như thể bạn đủ tuyệt vời để xử lý việc này. Nhưng chúng ta cần vượt qua những cảm xúc trong quá khứ. Những hành động nào sẽ giúp bạn nhìn thấu qua mớ hỗn độn này?

#5. Chuẩn bị… ngay cả khi quá muộn để chuẩn bị

Các bạn ạ, tôi tin chắc rằng chẳng có ai sinh ra đã là một nhà đấu vật “cừ khôi” với cá sấu. Ai là người sống sót sau những tình huống đe dọa tính mạng? Đó là những người đã làm được điều đó trước đây. Những người đã có sự chuẩn bị.

Bây giờ ngay cả khi bạn không thể thực sự chuẩn bị cho việc bị sa thải hay ly hôn, thì bạn vẫn có thể nỗ lực xây dựng những thói quen tốt và bỏ thói quen xấu. Những thói quen tốt không đòi hỏi nhiều sức mạnh ý chí của bạn bằng những hành động có chủ đích và sẽ giúp bạn kiên cường hơn. Làm thế nào để bạn sống sót sau một vụ đắm tàu trong chiến tranh thế giới 2 ​​và bị cá mập tấn công? Hãy tiếp tục chuẩn bị cho tương lai, ngay cả khi bạn đang gặp rắc rối.

Theo cuốn sách Surviving Survival: The Art and Science of Resilience:

Ngày tháng trôi qua, anh tiếp tục tập trung vào các chiến lược để sinh tồn. Có lần, một chiếc thắt lưng cao su trôi nổi và anh nắm lấy nó. Anh đã nghe nói rằng người Nhật sẽ sử dụng máy bay để khống chế những người Mỹ bị đắm tàu. Thắt lưng có thể được thổi lên thông qua một ống cao su. Anh ta cắt ống và giữ nó, cho rằng nếu người Nhật phát hiện ra chúng thì anh có thể ngụp dưới nước và thở qua ống. Anh đã lên kế hoạch trước. Anh ấy hình dung về một tương lai trong tâm trí, và những người sống sót giỏi luôn tập trung vào hiện tại nhưng lên kế hoạch cho tương lai. Do đó, làm nó từng ngày, từng giờ, và đôi khi từng phút, Don McCall kiên trì chịu đựng.

Một cảnh báo: như chuyên gia học tập Dan Coyle khuyến nghị, hãy chắc chắn rằng bất kỳ sự chuẩn bị nào bạn làm càng sát với kịch bản thực tế thì càng tốt. Đào tạo kém có thể tồi tệ hơn là không đào tạo. Khi cảnh sát thực hành tước vũ khí của tội phạm, họ thường kết thúc bằng cách trao lại súng cho đồng đội của họ.

Một sỹ quan huấn luyện điều này hoàn hảo đến mức khi anh ta đoạt khẩu súng từ một tên tội phạm— và theo bản năng trả súng lại ngay.

Theo cuốn sách Make It Stick:

Johnson kể lại cách các sĩ quan được huấn luyện để đoạt súng từ một kẻ tấn công ở khoảng cách gần, một cuộc diễn tập mà họ thực hành bằng cách nhập vai với một sĩ quan. Nó đòi hỏi tốc độ và sự khéo léo: dùng một tay khống chế cổ tay của tên tội phạm, đồng thời tay kia đoạt khẩu súng. Đó là một động tác mà các sỹ quan đã tập đi tập lại thành thói quen, lấy súng, trao lại, lấy lại. Cho đến khi một trong những sỹ quan của họ, trong một cuộc thi về lĩnh vực này, lấy khẩu súng từ một kẻ tấn công và trao súng lại ngay.

Bạn mong đợi điều tốt đẹp nhất nhưng luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Thật hoàn hảo. Bây giờ có phải lúc để xả hơi không? Chết tiệt, không được.

#6. Luôn bận rộn, bận rộn, bận rộn

Cách tốt nhất để tồn tại và kiểm soát cảm xúc của bạn khi mọi việc trở nên khó khăn là gì? “Làm việc, làm việc và làm việc.”

Theo cuốn sách Surviving Survival: The Art and Science of Resilience:

Hãy nhớ câu nói “Làm việc hay là chết.” Trong sự trỗi dậy của sang chấn, “Hãy làm việc, làm việc và làm việc,” như Richard Mollica đã viết. Ông là bác sĩ tâm thần nghiên cứu về sang chấn tâm lý tại Harvard. “Đây là mục tiêu quan trọng nhất của những người bị sang chấn trên khắp thế giới.” Bàn tay ra lệnh cho tâm trí. Khi sự việc tồi tệ, mọi người trở nên buồn bã hoặc sợ hãi, thu mình và làm bản thân phân tâm. Điều đó có thể dập tắt cảm xúc, nhưng nó không giúp bạn thoát khỏi mớ hỗn độn này.

Người kiên cường biết rằng luôn bận rộn không chỉ giúp bạn tiến gần hơn đến các mục tiêu của bạn mà nó còn là cách tốt nhất để giữ bình tĩnh. Và bạn có tin không, tất cả chúng ta đều hạnh phúc hơn khi bận rộn.

#7. Biến nó thành một trò chơi

Trong cuốn sách “Touching the Void,” Joe Simpson kể câu chuyện đau lòng về việc anh ta bị gãy chân khi leo lên một ngọn núi cao 19,000 feet. Anh ta và bạn leo núi của anh vờ rằng anh là người chết. Nhưng anh đã sống sót. Một trong những bí mật của anh là biến nỗi đau đớn từ từ của mình thành một trò chơi.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

Simpson đã học được ý nghĩa của việc vui đùa trong những trường hợp như vậy: “Một kiểu di chuyển theo khuôn mẫu hình thành sau lối nhảy lắc lư ban đầu của tôi và tôi cẩn thận lặp lại kiểu nhảy đó. Mỗi bước nhảy tạo thành một bước băng qua độ dốc và tôi bắt đầu cảm thấy tách biệt khỏi mọi thứ xung quanh tôi. Tôi không còn nghĩ gì nữa ngoài những bước nhảy.” Cuộc đấu tranh của anh ấy đã trở thành một điệu nhảy, và điệu nhảy đã giải phóng anh ấy khỏi nỗi khiếp sợ về những gì mà anh phải làm.

Việc đó diễn ra như thế nào? Đó là khoa học thần kinh. Những hoạt động có khuôn mẫu kích thích cùng trung tâm phần thưởng của não bộ giống như cocaine làm.

Theo cuốn sách Surviving Survival: The Art and Science of Resilience:

Và thật đáng ngạc nhiên, một cấu trúc nằm trong hạch nền được kích hoạt trong khi ta có cảm giác an toàn, tưởng thưởng hay chỉ đơn giản là cảm thấy tuyệt vời. Nó được gọi là thể vân (striatum) và các loại thuốc chẳng hạn như cocaine có thể kích thích nó, nhưng nó cũng được kích thích nhờ việc học hỏi một thói quen hay kỹ năng mới và thực hiện các hoạt động có tổ chức, có khuôn mẫu… Ngay cả những điều nhàm chán cũng có thể thú vị nếu bạn biến chúng thành một trò chơi với tiền cược, những thử thách và phần thưởng nhỏ. Và chúng ta có thể sử dụng hệ thống này cho các vấn đề hằng ngày: Hôm nay bạn có thể gửi bao nhiêu hồ sơ xin việc? Bạn có thể đánh bại ngày hôm qua được không?

Ăn mừng “những thắng lợi nhỏ” là điểm giống nhau ở những người sống sót.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

Những người sống sót vui mừng với những thành công nhỏ bé nhất của họ. Đó là một bước quan trọng trong việc tạo ra một cảm giác về động lực liên tục và ngăn không để con người rơi vào sự tuyệt vọng. Nó cũng làm khuây khỏa sự căng thẳng không kể xiết của một tình huống sinh tồn thực sự.

Bạn là một cái máy. Hãy tiến triển bất chấp những thử thách to lớn. Cách cuối cùng để đưa tính kiên cường của bạn lên cấp độ tiếp theo là gì? Những người khác.

#8. Nhận trợ giúp và giúp đỡ

Tìm sự giúp đỡ là điều tốt. Hiển nhiên rồi. Nhưng đôi khi chúng ta thấy ngại hoặc xấu hổ và không dám nhờ giúp đỡ. Đừng để lòng tự tôn cản đường bạn.

Điều hấp dẫn hơn nữa là ngay cả trong những thời điểm tồi tệ nhất, việc giúp đỡ người khác cũng là đang giúp chính bạn. Bằng cách đảm nhận vai trò chăm sóc, chúng ta làm tăng cảm giác có ý nghĩa trong cuộc sống của ta. Điều này giúp mọi người đang ở trong tình huống xấu nhất thành công. Leon Weliczker sống sót sau thảm họa diệt chủng không chỉ nhờ tài xoay sở của mình— mà bởi vì ông cảm thấy mình phải bảo vệ em trai.

Theo cuốn sách Surviving Survival: The Art and Science of Resilience:

Khi cậu em trai 15 tuổi Aaron của anh bước vào, Leon đột nhiên tràn đầy tình yêu và cảm giác có trách nhiệm đối với hai cậu bé. Anh trút bỏ lớp áo choàng của nạn nhân để vào vai người giải cứu. Terrence Des Pres, trong cuốn sách của ông, The Survivor, đưa ra quan điểm rằng trong hành trình sinh tồn, giúp đỡ người khác cũng quan trọng như nhận được sự giúp đỡ.

Đôi khi lòng vị tha quên mình là cách tốt nhất để ích kỷ. Và nghiên cứu cho thấy những người cho đi là những người thành công nhất và họ sống lâu hơn.

Theo cuốn sách Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why:

Giúp đỡ người khác là cách tốt nhất để đảm bảo sự sống còn của chính bạn. Nó làm bạn bớt quan tâm đến bản thân. Nó giúp bạn vượt lên trên nỗi sợ hãi của bạn. Bây giờ bạn là một người giải cứu, chứ không phải là nạn nhân.  Và nhìn thấy khả năng lãnh đạo và kỹ năng của bạn làm người khác phấn chấn, đồng thời cũng giúp bạn tập trung hơn và có nhiều năng lượng hơn để kiên trì. Chu trình củng cố chính nó: Bạn làm họ phấn chấn và phản ứng của họ cũng sẽ nâng đỡ tinh thần bạn lên. Nhiều người sống sót thông báo rằng họ làm vậy vì người khác (vợ, bạn trai, mẹ, con trai). Vậy khi mối đe dọa qua đi, khi mọi việc đã bình ổn, liệu chúng ta có thể có một cuộc sống bình thường trở lại? Trên thực tế, đôi khi, cuộc sống có thể tốt hơn.

ĐỂ LẠI TRẢ LỜI

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

spot_img

Có thể bạn quan tâm

Những cái nhất trong làng nước hoa

Hãng nước hoa sexy nhất: Victoria Secret's Hãng nước hoa có thương hiệu dễ nhận diện...

Một vài thuật ngữ cơ bản trong nước hoa...

Trong quá trình sử dụng nước hoa và tiếp cận với thế giới mùi hương, bạn sẽ...

Một vài típ chọn nước hoa ưng ý

Đối với nước hoa, tôi xin khẳng định là chẳng có thứ gì gọi là quy chuẩn...