Đã bao lâu rồi bạn chưa tâm sự với một ai đó?
Lúc đọc được câu hỏi này, tôi thực sự đã đơ ra một lúc. Có lẽ thời gian là quá lâu khiến tôi không thể nghĩ ra đáp án ngay được, cũng có thể bỗng nhiên tôi thấy từ “tâm sự” này nghe sao mà lạ lẫm.
Có lần bạn tôi hỏi: “Ê mày, sao càng lớn người ta càng thích im lặng nhỉ?”
Tôi nhớ mình từng đọc đâu đó câu trả lời thế này: Bởi vì có một vài người chẳng có chuyện gì để nói và có một vài chuyện chẳng biết nói cùng ai.
1. Càng lớn, càng trầm mặc
Tôi mở danh sách cuộc gọi trong điện thoại và phát hiện những dãy số xuất hiện nhiều nhất không phải là số người nhà cũng chẳng phải số bạn bè, mà là số shipper giao hàng và giao đồ ăn. Khung chat trong Facebook ngoài công việc cũng chẳng có mấy cuộc nói chuyện phiếm. Danh sách bạn bè càng ngày càng dài, ấy vậy mà những đoạn hội thoại càng ngày càng ít. Hình như không phải mình tôi mà phần lớn những người trẻ xung quanh tôi cũng vậy, càng ngày mọi người càng không thích nói chuyện.
Ngày trước, có ngôi sao nào ngoại tình, ly hôn, tất cả sẽ nhao nhao bàn luận, sẽ mắng ai không ra gì, sẽ cảm thán mất niềm tin vào tình yêu. Lớn hơn một chút, dường như ai ly hôn là chuyện của người đó, chẳng còn liên quan gì đến mình.
Ngày trước, đụng phải chuyện gì dù nhỏ dù to sẽ chia sẻ với bạn thân đầu tiên. Hiện tại, gặp vấn đề cũng thấy bình thường, cảm thấy không cần thiết phải xôn xao lên. Kể cả khi mâu thuẫn ý kiến với người khác thì vẫn sẽ kiên định với lập trường của mình, không tranh cãi đến cùng.
Chúng ta của sau này, tuổi càng lớn càng học được cách im lặng. Chúng ta quen trở thành người theo dõi câu chuyện của người khác, chứ không còn là người kể câu chuyện của chính mình. Chúng ta thích im lặng lắng nghe những điều mình có hứng thú chứ không còn hào hứng với việc biểu đạt ra ngoài.
Ngày xưa, chúng ta lúc nào cũng sợ cô đơn, dần dà, lại hưởng thụ việc được ở một mình.
2. Có những con đường, chỉ muốn đi một mình
Cuối tuần rồi, tôi định rủ cô em họ đi ăn lẩu. Nó vốn rất thích lẩu nhưng lần này lại từ chối. Hỏi nguyên nhân mới biết, hai ngày trước nó bị viêm dạ dày cấp tính, phải vào bệnh viện, truyền nước một ngày mới đỡ. Em họ nhắc đi nhắc lại với tôi: “Chị đừng nói cho mẹ em biết nhé, không mẹ em lại lo.”
Nó từ bé đã được chiều, sụt sịt một tí cũng phải gào ầm lên, vậy mà bây giờ lại biết cách giấu diếm, học cách trở thành một người lớn.
Cúp điện thoại, tôi chợt thấy thương nó, đồng thời cũng thấy mừng.
Sau khi trưởng thành, dù gặp phải chuyện khó khăn cỡ nào, chúng ta cũng chọn cách im lặng vượt qua. Bị bắt nạt cũng im lặng nín nhịn. Dường như phần lớn trong chúng ta đều từng có những trải nghiệm như thế.
Từ cái gì cũng muốn nói, chúng ta dần hoạt động nội tâm nhiều hơn ngôn ngữ. Cho đến một ngày kia, bạn phát hiện ra năng lực tự điều chỉnh của bản thân càng ngày càng mạnh. Gặp chuyện không vui, bạn cũng có thể an ủi bản thân rằng ngày mai mọi chuyện sẽ tốt hơn. Bởi vì bạn biết, những tâm trạng tiêu cực ấy chỉ là nhất thời. Nói ra những nỗi buồn thực ra chẳng giải quyết được gì, khi bi thương qua đi, cuộc sống vẫn tiếp diễn.
Sau khi trưởng thành, chúng ta vẫn cười nhưng có đôi khi không phải vì thấy vui, mà vì không muốn người bên cạnh lo lắng.
“Khi bạn trải qua quá ít thử thách thì những chuyện vụn vặt mới khiến bạn phiền não. Còn khi bạn trải qua nhiều hơn những thật thật giả giả, thấy rõ bản chất của thế giới, bạn không còn đắn đo nhiều vậy.”
Bạn sẽ càng lúc càng trầm mặc, càng lúc càng ít nói. Có đôi khi sự trầm mặc ấy không có nghĩa bạn lạnh lùng hay lập dị, nó chỉ là biểu hiện của một loại trưởng thành trong nội tâm.
3. Ít đi sự đồng cảm
“Không ai quan tâm bạn đêm qua bạn khóc lớn ra sao, cũng không ai quan tâm bạn phải đã buồn như thế nào, người ngoài chỉ nhìn kết quả còn quá trình chỉ có mình bạn phải chống đỡ.”
Khi bạn hiểu được đạo lý này, bạn sẽ không ưa kể lể, không còn cố gắng tìm hết người này đến người khác để than thở nữa.
Bà ngoại của bạn thân tôi ốm nặng. Bạn thân tôi muốn xin nghỉ một tuần để ở bên bà. Nhưng đúng lúc đó, nó được giao một nhiệm vụ quan trọng, sếp nó sợ ảnh hưởng công việc nên chỉ cho nó nghỉ 3 ngày. Bạn tôi tức giận cãi nhau luôn với sếp, bạn trai của bạn tôi lại mắng nó quá cảm tính.
Bạn tôi trước nay đều ưu tiên công việc, nhưng lần này, nó chỉ có thể chọn tình cảm. Bởi vì người mà nó muốn ở bên là người bà đã nuôi nó từ khi nó mới lọt lòng. Nó cảm thấy bất lực nhưng không muốn giải thích gì nhiều thêm. Tôi rất hiểu suy nghĩ này.
Lần thi lên cao học, vất vả 6 tháng trời nhưng cuối cùng vẫn không đỗ được trường mình yêu thích. Vừa có kết quả, tôi đã rất suy sụp. Bạn bè xung quanh liên tục an ủi: Đừng quan tâm kết quả, chỉ cần bản thân cố gắng là được. Nhưng chỉ có tôi biết, điều quan trọng nhất rõ ràng vẫn là kết quả.
Rất nhiều cảm xúc người khác không thể hiểu được, chứ đừng nói là đồng cảm. Thế nên sau này, chúng ta học cách im lặng, tự mình giải quyết vấn đề của mình, còn những tâm sự từ tận sâu tấm lòng sẽ lặng lẽ gói vào, cẩn thận mà dành cho người thực sự có thể lắng nghe bạn, hiểu bạn. Và cũng tự hiểu rằng, người như thế, ít lắm.