Nếu nhắc đến nỗi buồn thì ngay lập tức chúng ta sẽ liên tưởng tới những gam màu trầm buồn của mùa thu và đông. Và sẽ chẳng ai biết đến khái niệm “mùa hè buồn” nếu như Lana Del Rey không ra mắt ca khúc “summertime sadness” vào năm 2012. Và nếu như “summertime sadness” là “mùa hè buồn” của mảng âm nhạc thì “Call Me By Your Name” chính là “mùa hè buồn” của mảng điện ảnh.
Bối cảnh phim diễn ra tại năm 1983 ở nước Ý. Gia đình người Mỹ Do Thái đón một sinh viên cũng là người Mỹ Do Thái đến để giúp đỡ và hỗ trợ ông Sameul Perlman (cha của Elio) trong việc nghiên cứu khảo cổ. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp gỡ Elio đã rung động trước Oliver – một chàng trai 24 tuổi xa lạ nhưng mang lại một cảm giác rất gần gũi cho Elio. Tuy căn biệt thự Villa Albergoni rộng lớn là thế nhưng Elio phải chia sẻ căn phòng của mình với Oliver. Khoảnh khắc khi Oliver ngả lưng để nghỉ ngơi sau chuyến đi dài thì câu thoại “Later” đã được anh sử dụng và đây cũng chính là câu thoại được anh dùng nhiều nhất trong suốt thời lượng của bộ phim.
“Later” – gặp sau. Chúng ta thường dùng nó sau khi cuộc trò chuyện đã kết thúc như một lời hứa hẹn để gặp lại nhau vào một ngày khác trong tương lai. Nhưng nếu để ý kỹ từ “later” ở đây thì nó còn gợi lên cho chúng ta về một sự hứa hẹn quá đỗi mong manh và tưởng chừng như “ngày mai” mà Oliver nói với Elio sẽ chẳng bao giờ đến.
Và Elio đã thực sự chờ đợi sau lần làm tình đầu tiên của cả hai.
Khi Elio lần đầu nhìn thấy cơ thể của Oliver một khao khát về tình dục đã dần trỗi dậy trong cậu. Bản năng tình dục là một yếu tố khá nhạy cảm nhưng trong “Call Me By Your Name” chúng ta sẽ được cảm nhận nó một cách nhẹ nhàng thông qua góc nhìn của một chàng trai tuổi 17. Trong buổi tiệc khi Oliver cuồng nhiệt đắm mình vào trong âm nhạc của thập niên 80 thì Elio chỉ chậm rãi đưa mắt hướng về phía anh rồi rít thuốc. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như Oliver không nhảy với ai khác, khoảnh khắc khi Elio nhìn thấy Oliver đang hăng say bên Chiara, sự nhỏ nhen trong cậu dần hình thành, sự ghen tuông và một chút gì đó ích kỷ muốn chiếm hữu Oliver cho riêng mình.
Và nếu như bạn đã xem “Tôi muốn ăn tụy của cậu” thì lời tỏ tình của Haruki gửi đến Sakura có phần kì quái và ghê rợn nhưng ẩn sau nó là cả một sự thật lòng, thật đến bật khóc trong tận tâm cậu dành cho Sakura thì ở “Call Me By Your Name” chúng ta cũng có lời tỏ tình kì quái không kém. Khi Elio và Oliver đang dạo quanh quảng trường Piazza thì Elio đã vụng về thổ lộ ra mặc dù lời tỏ tình có chút gì đó ngu ngốc nhưng rất đỗi bình dị và dễ thương “Cause I want you to know” cậu lập lại nó tận 4 lần. Tuy là một câu tỏ tình nhưng nó lại có một chút gì đó trách móc Oliver vì đã không đón nhận tình cảm của cậu. Phần vì anh biết mình sẽ phải rời xa cậu, phần vì ở xã hội thời đấy tình yêu đồng giới là một thứ gì đó thấp kém và được coi là đi ngược lại với những chuẩn mực mà xã hội đề ra. Nên Oliver không thể đón nhận tình cảm của Elio vào thời điểm ấy.
Phân cảnh khi hai người bác của Elio đến nhà để dùng bữa trong cuộc đối thoại của cậu và cha đã hé lộ hai người bác ấy là một cặp đôi đồng tính. Chính từ chi tiết nhỏ ấy đã hé lộ cho chúng ta biết cha mẹ Elio có một tầm nhìn xã và nhạy cảm đến nhường nào. Ngay từ lần đầu Elio gặp Oliver bà Annella Perlman đã phần nào đó cảm nhận được thứ tình cảm mà con trai bà dành cho chàng trai người Mỹ kia. Trong những trường đoạn cuối cùng cả hai đã sắp xếp cho Elio và Oliver có một chuyến đi cùng nhau trước khi Oliver trở về nước Mỹ.
Và nếu như bạn đã đọc tác phẩm gốc của André Aciman thì bạn sẽ biết tác giả đã dành cho chuyến đi dài vỏn vẹn ba ngày ấy cả một chương dài. Lúc cả hai cùng leo núi thì bản nhạc chủ đề của phim “Mystery of love” được chèn vào khung cảnh lãng mạn ấy.
“Boundless by the time I cried. I built your walls around me…”
Tạm dịch:
“Tổn thương vô cùng những lần chợt bật khóc. Em đã vô tình quen với việc dựa dẫm vào sự che chở của anh”.
Ba ngày không dài nhưng đủ cho cả hai cảm nhận được tình cảm thực sự mà có lẽ cả đời này sẽ chẳng có được lần hai. Cứ như thể họ sinh ra là để dành cho nhau và là của nhau theo một sự sắp đặt của Chúa. Tình ca, mùa miên man và cả những ả màu tươi sáng của cuộc tình đẹp như tranh ấy đã làm không ít người mong chờ vào một cái kết viên mãn.
Khi Elio tiễn Oliver rời khỏi bến tàu ánh mắt cậu cứ đăm đăm nhìn theo anh để rồi thứ còn xót lại cuối cùng trong đáy mắt chỉ là thật nhiều những kỉ niệm ngắn ngửi của cả hai. Elio đã bật khóc khi nói chuyện với mẹ. Và những giây phút cuối cùng của phim là thứ đáng giá nhất của cả bộ phim ấy. Chúng ta thấy được một tình bạn đẹp của Marzia và Elio, một gia đình sẵn sàng chấp nhận đứa con duy nhất của mình là người đồng tính mặc cho xã hội khắc nghiệt thời ấy. Tất cả đã tạo nên một “Call Me By Your Name” mang một phong cách rất riêng và để lại trong lòng người xem những câu hỏi không có lời đáp khi bộ phim đã kết thúc.
Khi Oliver gọi cho Elio cũng chính là ngày lễ Hanukkah (lễ hội truyền thống của người Do Thái, bắt đầu vào ngày 25 của tháng Kislev, từ giữa tháng 11 đến cuối tháng 12 dương lịch). Elio đã gọi tên của mình bốn lần.
“Elio Elio Elio Elio”
“Oliver I remember everything”
Đây là phân cảnh lấy đi nhiều nước mắt nhất của mình. Khi Oliver thông báo sẽ cưới vợ vào mùa xuân năm sau Elio thực sự đã sụp đổ. Những thước phim cuối quay cảnh Elio đang ngồi nhìn đống lửa cháy trong khi cả nhà đang tất bật chuẩn bị bữa tối. Nhưng giọt nước mắt đã rơi trên gò má cậu. Những cảm xúc về mùa hè ấy sẽ mãi nằm trọn vẹn và nguyên lành như cái cách tuổi 17 trôi qua của Elio.
“Call Me By Your Name” cho chúng ta thấy được một nước Ý thập niên 80 đầy nắng, những câu chuyện tình đẹp nhưng dở dang. Và ở đó chúng ta còn thấy một mùa hè tuyệt vời, một “mùa hè buồn bã” đã ghi lại một câu chuyện tình của Elio và Oliver.
“Call me by your name and I will call you by mine”.