“Nếu như anh chào đón ngày và đêm bằng niềm vui, và cuộc đời tỏa hương thơm ngát. Trở nên mềm dẻo hơn, long lanh hơn, vĩnh cửu hơn – thì đó chính là thành công của anh.”
Vài năm trước đây tôi có thấy trên Instagram bức hình một tay chơi sành sỏi ngồi trên chiếc phi cơ riêng, vây quanh anh ta là những cô nàng xinh đẹp trong bộ đồ bikini quyến rũ, hàng chồng tiền, những chai sâm panh thượng hạng, và một khẩu súng lục.
Bất kỳ ai với một sự hiểu biết sơ sơ về cuộc đời và quan điểm triết học của Thoreau đều biết rằng cái phong cách sống hưởng lạc, nặng về vật chất, đi du lịch khắp nơi bằng máy bay riêng kia không phải là điều mà ông muốn nói tới. Tuy lời nói của ông thường không mấy khi được trích dẫn trong những bối cảnh không phù hợp như vậy, nhưng nó vẫn được nhắc tới theo những cách không đồng điệu với ý tưởng của chính tác giả.
Vậy thì, xét cho cùng, Thoreau muốn nói tới điều gì ở đây? Và nếu như một chiếc phi cơ riêng không hoàn toàn mang lại sự giải thoát, vậy thì làm thế nào để con người ta có thể thực sự tránh khỏi việc sống một đời tuyệt vọng trong im lặng?
Vòng xoáy hưởng lạc mang tên tuyệt vọng
Câu nói nổi tiếng của Thoreau – “Phần lớn con người sống cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng” – thường được sử dụng như một lý do cho việc theo đuổi niềm đam mê của một người và tiến tới cuộc sống tránh xa sự xoàng xĩnh của việc chơi nhỏ và đạt được thêm một chút ít những thành tựu tầm thường. Và thực vậy, một trong những câu nói nổi tiếng khác của Thoreau thường được nhắc tới là:
“nếu con người can đảm bước đi tới mơ ước của mình, và cố gắng sống cuộc sống mà anh ta đã hình dung, thì anh ta sẽ gặp thành công bất ngờ trong những giờ phút bình thường.”
Tuy thế, câu nói ít được nhắc đến hơn lại chính là định nghĩa của Thoreau về “thành công”:
“Nếu như anh chào đón ngày và đêm bằng niềm vui, và cuộc đời tỏa hương thơm ngát, trở nên mềm dẻo hơn, long lanh hơn, vĩnh cửu hơn – thì đó chính là thành công của anh.”
Thành công thực thụ theo quan điểm của Thoreau do đó không thể được hiểu theo nghĩa tiền bạc hay là những giá trị thông thường khác, hay kể cả những thứ kiểu như cuộc phiêu lưu kỳ thú trên Instagram.
Là một người chỉ ru rú xó nhà, ông hiếm khi đi đâu thật xa. Ông từ chối dành toàn bộ thời gian để làm việc tại xưởng sản xuất bút chì của cha mình, cho dù sự thông thạo về máy móc và óc sáng tạo có lẽ sẽ khiến ông trở thành nhân tài kiệt xuất trong ngành này. Thay vì vậy, ông thu xếp cuộc đời mình sao cho chỉ tham gia rất ít vào công việc, và dành thật nhiều thời gian cho việc viết lách và trầm tư mặc tưởng. Và ngay cả khi ông thực hiện việc viết lách, dù ông có quan tâm tới việc các tác phẩm của mình được đọc và được ca ngợi (ít nhất là bởi những người mà ông tôn trọng), thì ông cũng không bằng lòng với việc chỉnh sửa chúng chỉ để thu hút lượng độc giả lớn hơn. Quả thực, như một người bạn và cũng là người thầy của Thoreau, Ralph Waldo Emerson, cho rằng nếu như ở ông có tồn tại khuyết điểm nào đó, thì đấy chính là thiếu tham vọng.
Thực ra lời phê bình này theo một cách nào đó không hề chuẩn xác. Bởi vì dù Thoreau không hề có tham vọng đối với thứ danh vọng theo truyền thống vẫn thường được xã hội tung hê, nhưng ông lại ấp ủ tham vọng với thứ hoàn toàn khác hẳn: cuộc sống. Cuộc sống với những bản chất cốt lõi nhất. Cuộc sống với những dạng thức trọn vẹn nhất.
Tiếp cận thế giới này với trí tưởng tượng rộng mở, Thoreau sống vì sự hiểu biết sâu sắc và những trải nghiệm trực tiếp; cuộc đời không phải là thứ để trải nghiệm ở kỳ thứ cấp. Ông luôn luôn tìm kiếm cái siêu phàm và cái siêu nghiệm, và tính hoang dã không chỉ ẩn giấu bên dưới nền văn minh, mà còn ở trong tâm hồn của chính con người. Mục đích của ông là để hiểu rõ bản thân, và gìn giữ cái bản thể tối cao đó khi đứng trước áp lực phải tuân theo những tính nệ tập tục mơ hồ.
Đó hoàn toàn là một quá trình hướng vào bên trong bản thể, thay vì bước ra ngoài thế giới, và thực ra, những yếu tố bên ngoài vẫn có thể hiện diện trong cuộc kiếm tìm này. Sự tuyệt vọng, trong suy nghĩ của Thoreau, đến từ việc sở hữu quá nhiều mong muốn. Vấn đề xảy ra đối với sự khát vọng trước những thứ bề ngoài chính là chúng luôn được nhân lên và không khi nào ngừng lại; một mong muốn được thỏa mãn chỉ đơn thuần gây ra sự nóng lòng muốn có thêm thứ khác. Điều này đặt con người ta vào tình cảnh mà các nhà khoa học hiện đại gọi là “vòng xoáy hưởng lạc”; một khi bạn làm ra được nhiều tiền hơn, hay có được một thứ tài sản mới, hay đạt đến một mục tiêu nào đó, ban đầu nó sẽ khiến cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn, nhưng rồi bạn trở nên thích ứng với hoàn cảnh mới. Bạn đã vươn lên một tầm cao mới, nhưng đi kèm theo đó là kỳ vọng của bạn, vì thế mà niềm hạnh phúc của bạn rơi trở lại vị trí ban đầu. Bạn do đó sẽ tìm kiếm “quả” khoái lạc khác, như một liệu pháp gây tê. Và khi cái vòng tuần hoàn này tiếp diễn; bạn dường như luôn chạy theo một điều gì đó, nhưng bạn vẫn cứ luôn ở trong cái trạng thái chạy ấy, mắc kẹt trong chiếc bánh xe khát vọng của con chuột hamster. Nhà lý luận xã hội học Gregg Easterbrook gọi cái quá trình theo đuổi những điều chúng ta mong muốn, nhưng không bao giờ cảm thấy đủ này là “phủ nhận sự đầy đủ.”
Thúc đẩy cho cái vòng lặp bất mãn này – và cả sự tuyệt vọng mà nó gây ra – là thực tế rằng việc đạt được những khát vọng bề ngoài thường mang lại tiền bạc. Tiền chỉ có thể kiếm được nhờ vào sự đánh đổi bằng thời gian và sức lao động của một người. Và thường thì đó không phải là cái giá phải trả duy nhất: công việc mà một người phải thực hiện thường đòi hỏi sự thỏa hiệp với hệ chân giá trị, những nguyên tắc sống và cả ước mơ của người đó. Nó đòi hỏi một sự đánh đổi về tính độc lập; ngay cả các thương gia cũng phải tuân theo luật chơi của thị trường.
Do đó, bạn càng muốn có nhiều bao nhiêu, bạn càng cần phải lao lực để trả giá cho nó bấy nhiêu, khi mà bạn càng trở nên ít độc lập hơn, bạn sẽ càng bị đẩy xa khỏi trọng tâm cuộc sống.
Thoreau do đó đã biện luận một cách thích đáng rằng “cái giá của một việc” không chỉ đơn giản là giá trị tiền mặt của nó, mà “giá trị của một thứ là lượng cuộc đời phải bỏ ra cho nó, ngay lập tức hay lâu dài về sau.”
Giải pháp dành cho sự cố gắng phấn đấu không ngừng nghỉ, không đem lại kết quả gì ngoài cảm giác không thấy hài lòng, Thoreau cho là, cần phải đơn giản hóa những mong muốn của bạn – để tách biệt sự tiện nghi và sự thoải mái khỏi những nhu cầu, và giảm thiểu chúng tới mức cơ bản. Hiển nhiên, đây là mục đích chính yếu cho trải nghiệm bên đầm Walden của nhà triết học của chúng ta:
“Tôi vào rừng bởi vì tôi mong mỏi được sống thảnh thơi, để chỉ đối mặt với những điều thiết yếu nhất của cuộc sống, và để xem liệu có phải tôi không thể tiếp thu những điều bắt buộc phải học từ cuộc sống, và rằng không phải đến lúc chết, tôi mới nhận ra rằng mình chưa từng sống.”
Vì vậy, nếu như nỗi tuyệt vọng nảy sinh từ việc tìm kiếm cái nhiều hơn, và giải pháp là học cách bằng lòng với ít hơn, vậy thì câu hỏi duy nhất còn sót lại là:
Ta làm điều này như thế nào?
Nghệ thuật biến ít thành nhiều
“Tôi muốn sống thật sâu sắc và hút lấy mọi cốt tủy cuộc sống, để sống thật vững vàng và gan dạ như một chiến binh Spartan đánh tan tác tất cả những gì không phải là cuộc sống, để cắt bỏ những điều không cần thiết và gắn bó với những điều thực sự cốt lõi, để giới hạn lại cuộc đời, và giảm thiểu nó tới mức thấp nhất.”
Câu trên đây là một trong những câu danh ngôn được trích dẫn nhiều nhất của Thoreau. Và là một câu trích dẫn mà ý nghĩa trọng điểm của nó vẫn thường bị bỏ qua. Để hút lấy cốt tủy cuộc sống thường gợi lên hình ảnh của một sự nỗ lực hướng ngoại rất lớn – những chuyến phiêu lưu tới những nơi chốn xa xôi và những nỗ lực khoa trương của thái độ liều lĩnh táo bạo.
Tuy nhiên phần tủy của xương là những gì ở bên trong nó – là sự sống nằm trong cấu trúc bề ngoài của các sự vật. Tủy sống là phần chất bổ còn sót lại sau khi cục xương đã được lọc sạch sẽ toàn bộ phần thịt, và bị vứt đi bởi những người không muốn tốn thêm công sức cho việc chiết xuất những gì vẫn còn lại.
Một sự cam kết của việc nắm được những điều cốt tủy của cuộc sống là bí kíp của Thoreau để có thể toại nguyện với sự giản đơn; ông đào sâu hơn vào những điều vẫn luôn hiện hữu, mà vẫn thường bị bỏ qua. Ông tìm thấy những kho báu ở đó mà hoàn toàn miễn phí, tuyên bố rằng “Tất cả những điều tốt đẹp đều hoang dã và tự do.” Trong khi những người khác tìm kiếm sự lạ thường bên ngoài những điều bình thường, thì Thoreau lại tìm thấy nó ở trong sự tầm thường. Ông có cái khả năng biến mỗi một ngày bình thường thành thiên anh hùng ca. Hay như lời ông từng nói với một người bạn, đó là thứ nghệ thuật của bậc kỳ tài để biến ít thành nhiều.
Dưới đây là ba phương thức mà Thoreau vận dụng thứ nghệ thuật triệt tiêu sự tuyệt vọng này:
Vận dụng giác quan của bạn để khám phá thế giới trong lòng thế giới
“Chỉ đơn giản nhìn thôi cũng thấy được biết bao điều tốt đẹp.”
“Chúng ta chỉ thấy được thế giới mà chúng ta muốn thấy.”
Kể từ khi còn học đại học, và tiếp tục trong suốt cuộc đời mình, mỗi ngày Thoreau đều tản bộ trong rừng để duy trì sức khỏe và sự cân bằng tinh thần. Dù ông vẫn thường đi trên những nẻo đường quen thuộc, nhưng chúng luôn mang đến những điều mới mẻ. Thoreau không chỉ ra đi với hai tay không, như Emerson từng kể, với “một cuốn tập chép nhạc để sưu tầm các loài cây cỏ” trong tay và “trong túi của cậu ấy, là cuốn nhật ký và cây bút, một cái ống nhòm để quan sát các loài chim, kính hiển vi, dao nhíp và dây bện,” ông cũng luôn mang theo bên mình tinh thần tập trung cao độ, hoàn toàn tỉnh thức. Qua đó ông trở nên chú tâm sâu sắc tới môi trường xung quanh, có thể đón nhận mọi thứ quanh mình, và chú ý tới các chi tiết mà những công dân vùng Concord, Massachusetts khác đều bỏ lỡ.
Thoreau rất tinh mắt, và không hề lạm dụng khả năng này; cho rằng “trong ý thức trọn vẹn và rõ ràng của thế giới, chúng ta không hề thấy” ông tin rằng để thật sự biết quan sát đòi hỏi phải đi từ cái nhìn thụ động đến việc trau dồi “một mục đích riêng biệt của con mắt”:
“Các sự vật được ẩn giấu khỏi tầm nhìn của chúng ta, không hẳn bởi vì chúng nằm ngoài đường nhìn của ta, mà bởi vì ta không đặt tâm trí và con mắt mình vào việc chấp nhận chúng … Chúng ta không nhận ra chúng ta đã nhìn xa và rộng, hay gần và hẹp ra sao. Phần lớn những sự kỳ diệu của Thiên nhiên do đó bị che giấu khỏi chúng ta trong suốt cả cuộc đời ta.”
Với cái nhìn chú tâm rộng mở, Thoreau quan sát nền đất tuyết nhuộm ánh trăng lấp lánh giữa trời đông, sự e ấp của những nụ hoa chớm nở và những chồi non xanh biếc trên những tán cây khi xuân về, sắc hoàng hôn rực rỡ lúc chiều hè, và sắc lá úa vàng trong tiết thu. Ở ông có cái trực giác nhạy bén phi thường về việc khi nào thì một mùa bắt đầu chuyển tiếp sang mùa kế tiếp, và khi nào thì mùa kế thật sự “tràn về” – ghi chú vào ngày 18 tháng Năm của một năm nọ, như là ví dụ, làm thế nào mà vùng đất bỗng nhiên có “một sinh mệnh mới và ánh sáng chan hòa muôn nơi,” và rằng nó đã diễn ra “nhưng một ngày hè đem tới cả mùa hè.”
Thoreau không chỉ thấy kinh ngạc trước cái cách mà vùng đất thay đổi theo mùa, mà còn cả theo từng tuần và theo từng ngày, ông nhận thấy rằng “những trạng thái khác nhau của đồng cỏ” luôn có gì đó khá mới mẻ diễn ra trước mắt ông. Mỗi một khoảnh khắc đều không ngừng thay đổi và sống động, đợi chờ được nắm bắt bởi một kẻ biết rõ cái nghệ thuật quan sát như ông.
Thị lực của nhà hiền triết đề cao tính ban sơ này không phải là thứ giác quan nổi bật duy nhất. Ông còn thích thú ngửi mùi hương của những chùm nho dại thoang thoảng trong làn gió nhẹ, và có thể lần theo dấu vết của một con cáo chỉ bởi mùi của nó. Đôi tai rất thính của ông cũng có thể làm được điều mà nhà viết tiểu sử Robert D. Richardson mô tả là “sự chú ý khác thường tới mọi loại âm thanh, âm thanh của một cơn mưa giông, giai điệu bản nhạc “Trận chiến Prague” được chơi trên những phím dương cầm, những thanh âm của băng đá, tiếng chuông nhà thờ, dế kêu, cuộc chè chén say sưa lúc tối trời, gà gáy.”
Những giác cảm này được mở rộng tới xúc giác của Thoreau, tới một cơ thể mà ông “sống … với sự mãn nguyện không thể diễn tả được.” Thoreau thích xiết chặt những trái thương lục và để cho thứ nước thịt màu tím của của chúng chảy dọc ngón tay mình. Ông yêu thích trượt băng, ngay cả khi trời đổ bão tuyết, vì cảm giác không khí buốt giá đập vào mặt và cảm giác bay vèo vèo trong không trung một cách duyên dáng “giống như một loài vật mới, một chú hươu có lẽ.” Trong những chuyến đi bộ dài của ông vào rừng, ông thường cởi quần áo ra để có thể cảm nhận được không khí trong lành và ánh nắng mặt trời thấm đượm da thịt mình, và ông sẽ lội dọc con sông trong cùng tình trạng khỏa thân như vậy, vừa đi vừa bơi men theo bờ sông. Ông xem những chuyến đi chơi thế này cũng xa xỉ như bất kỳ một niềm vui thú nào mà những con người cổ đại thuộc đế chế La Mã điêu tàn có thể cũng từng hưởng thụ.
Khả năng của Thoreau trong việc tìm thấy những điều “tầm thường” xung quanh mình vẫn hằng thú vị được thúc đẩy bởi sự thật rằng ông, như một người bạn của ông từng nhận xét, “sống trọn vẹn với một lòng ham hiểu biết.” Tâm trí ông luôn được đặt trong trạng thái “khám phá,” và ông không ngừng tìm kiếm những thế giới trong lòng thế giới – những vương quốc chỉ lộ diện trước những ai biết nhẫn nại và kiên trì. Ví dụ như, khi ông nhận thấy lũ ếch ban đầu chạy tán loạn khi ông tới bên đầm sẽ quay trở lại nếu như ông lặng lẽ chờ đợi đủ lâu, ông gần như hạ trại ngoài trời bên bờ đầm chỉ để quan sát thêm về hành vi của chúng. Một người láng giềng hồi tưởng lại cảnh tượng ấy với sự bối rối:
“Tại sao, vào một buổi sáng tôi ra ngoài đồng ở phía bên kia bờ sông, và ở đó, bên một cái ao bùn nhỏ, là Da-a-vid Henry, và anh ta cứ đứng đó mà chẳng làm gì cả – nhìn xuống cái ao, và khi tôi quay về nhà vào buổi trưa, anh ta vẫn đứng chắp tay sau lưng mà nhìn xuống cái ao, và sau bữa tối khi tôi quay trở lại thì Da-a-vid vẫn đứng nguyên đó như thể anh ta đã ở đó cả ngày, cứ nhìn xuống cái ao mãi thôi, và khi tôi đứng lại và nhìn anh ta và nói, “Da-a-vid Henry, cậu làm gì thế?’ Và anh chàng chẳng buồn quay đầu lại mà nhìn tôi. Anh ta cứ nhìn xuống cái ao, và nói, như thể lúc ấy anh ta đang nghĩ tới mấy vì tinh tú trên trời vậy, ‘Ông Murray, Tôi đang nghiên cứu – tập quán – của loài ễnh ương!’ Và đứng đó là tên ngốc chết bầm – cả một ngày trời – nghiên cứu – tập quán – của loài ễnh ương!”
Niềm vui thích của Thoreau trước những điều bình dị cũng còn được thúc đẩy bởi một tinh thần ngạc nhiên trẻ thơ mà ông không bao giờ đánh mất – một niềm tin rằng không có gì là thực sự tầm thường, rằng “Chẳng có gì là rẻ mạt và tầm thường, dù là một giọt sương hay một bông tuyết đi chăng nữa.” Mỗi một con người đều được bao quanh bởi sự thần thánh thiêng liêng; khi mà anh ta hoan hỉ sau một trận mưa băng: “Chúa đã hiện thân trước kẻ bộ hành trong rừng cây phủ sương ngày hôm nay, cũng như là bụi gai cháy đối với Moses ngày xưa.”
Niềm vui sướng và hân hoan thực thụ là có thể đạt được, ông cho là như vậy, với những ai sẵn lòng thực hiện những nỗ lực nhỏ bé để đi tới vùng đất của họ mỗi ngày theo những cách khác biệt không đáng kể, và do đó gom góp những chi tiết nhỏ trong môi trường sống thành ngọn núi hùng vĩ của sự mãn nguyện:
“Chỉ cần chú ý tới sự vật hay hiện tượng nhỏ nhất, dù có quen thuộc đến đâu, chỉ từ một chút ít khác biệt so với con đường quen thuộc hay những thói quen hàng ngày của chúng ta, để choáng ngợp, say mê trước vẻ đẹp và ý nghĩa của nó … Nhận biết những điều mới mẻ, với một tinh thần tươi mới, chính là được truyền cảm hứng … Toàn bộ cơ thể tôi đều có tri giác. Khi tôi đi đây đi đó, tôi cảm thấy thích thú bởi điều này hay điều nọ mà tôi từng tiếp xúc. Nhìn chung tôi vẫn còn nhớ – như vừa xảy ra mới đây thôi – về nguồn gốc của những vết trầy xước trên cơ thể mình. Từ những điều ấy tôi tiếp tục triệu hồi trong tâm trí, tái hiện, và nhắc đi nhắc lại. Thời kỳ của những phép màu là mỗi khoảnh khắc được quay trở về …
Chúng ta chỉ thấy được sự tươi đẹp của thế giới này một cách thoáng qua và có phần không trọn vẹn. Đứng ở góc độ thích hợp, ta sẽ kinh ngạc trước những sắc màu của cầu vồng trên mặt băng vô sắc. Từ góc nhìn thích hợp, trong mỗi một cơn bão và mỗi một giọt mưa đều có sự hiện hữu của cầu vồng … Tôi thấy được thuộc tính của một thế giới khác và những trạng thái khác nhau của các sự vật. Quả là kỳ diệu khi tôi thấy xúc động, vô cùng sâu sắc và mạnh mẽ, hơn hẳn bất kỳ điều gì khác mà tôi từng trải qua trong đời.”
Tìm kiếm cuộc phiêu lưu nơi sân sau nhà bạn
“Kẻ lãng du! Tôi thích cái tên gọi này. Một kẻ lãng du được kính trọng như vậy. Chức nghiệp của anh ta là hình tượng hay ho nhất trong cuộc sống của chúng ta. Đi từ _______ đến ________; là lịch sử của mỗi người chúng ta.”
Trong khi Thoreau ca tụng cái danh hiệu của một kẻ lãng du, những chuyến đi mà ông thực hiện trong tâm tưởng thực sự chẳng liên quan gì nhiều tới khoảng cách địa lý.
Cũng giống như một nhà văn khác là J.R.R. Tolkien, Thoreau có lòng khát khao ít ỏi đối với những chuyến đi ra bên ngoài theo kiểu truyền thống bởi vì sự phong phú của thế giới bên trong tâm hồn ông đã mang tới một vùng đất dành cho những sự khám phá thú vị vô cùng tận. Chuyến hành trình của việc khám phá bản thân và chinh phục bản thân, ông cho rằng, là hành trình thú vị nhất mà một người có thể thực hiện, và ông do đó định nghĩa việc “du hành” và khám phá những vùng đất mới là những khoảng thời gian mà bạn “nghĩ về những suy tư tưởng, và có những tưởng tượng mới. Trong không gian suy tưởng là việc chạm tới những vùng đất liền và mặt nước mà con người đã đặt chân tới và đã ra đi.” Như ông đã giải thích sâu hơn, “bởi vì tôi đo lường khoảng cách không phải bằng thế giới quan bên ngoài mà ở trong tâm trí mình. Trong lồng ngực của một con người là vừa đủ không gian và cảnh sắc cho bất kỳ một cuốn hồi ký nào.”
Cuộc di trú trọng đại nhất mà một người có thể thực hiện, Thoreau cho rằng, là hướng về “miền Tây.” Ở đây ông không có ý ám chỉ một chuyến đi vất vả thực thụ được thực hiện bởi những người khai khẩn đất đai đương thời; thay vì vậy, “Miền Tây mà tôi nhắc đến là một cái tên khác cho Miền hoang dã.” Sự hoang dã ban sơ mà Thoreau tìm kiếm đại diện cho những phẩm chất của một tâm hồn không bị ngăn trở bởi nền văn minh; những ý tưởng căn nguyên của một người, và sự tin tưởng bản thân mà cho phép anh ta bám vào những niềm tin đó.
Sự hoang dã như vậy, Thoreau tin, có thể dễ dàng được tìm thấy ngay gần ngôi nhà mình cũng như ở nơi vùng đất xa xôi nào đó, ông cho rằng rằng “Thật là vô ích khi mơ về một miền đất hoang dã ở khoảng cách thật xa xôi so với chúng ta … Tôi sẽ không bao giờ tìm thấy được nơi thiên nhiên hoang dã của Labrador có điều gì tuyệt vời hơn so với thiên nhiên hoang dã của Concord hết cả.”
Vì thế mà Thoreau hiếm khi đi xa nhà, cuộc đi dạo hàng ngày đã kể đến ở trên của ông cũng đủ để “lật tung ngôi làng” cho nên “mỗi một chuyến bách bộ là một cuộc viễn chinh … để tiến về phía trước và tái chiếm vùng đất thánh từ tay của những kẻ vô thần.” Bởi vì sự cởi mở trong cái nhìn của ông và sự thích thú tìm kiếm những chi tiết mới mẻ trong môi trường xung quanh, những cuộc tản bộ nơi “vùng lân cận” không bao giờ mòn chán:
“Thực ra có một sự hài hòa có thể nhận ra giữa những tiềm năng của vùng đất trong vòng bán kính mười dặm, hay những giới hạn của một chuyến bạch bộ lúc về chiều, và bảy mươi năm cuộc đời. Nó sẽ không bao giờ trở nên quen thuộc với anh.”
Thoreau đôi khi cũng có đặt chân tới các bang lân cận, thực hiện những chuyến đi xuồng và đi bộ đường dài vào những vùng đất thực sự hoang vu như New Hamsphire và Maine. Và trong khi những chuyến du ngoạn như thế này có mức độ thách thức vừa phải, sức tưởng tượng của ông, và cả cái khả năng của ông trong việc tìm kiếm những điều siêu phàm và huyền bí ngay cả ở nơi chốn tầm thường nhất, cho phép ông nâng tầm những chuyến đi như vậy thành những hành trình kỳ thú và đầy kích thích. Với Thoreau mà nói, việc chèo xuồng xuôi dòng con sông Concord quả thực có thể ví như việc giong buồm dọc sông Nile, những chuyến đi tới các thị trấn lân cận cũng mang lại cảm giác như khi tiến vào “terra in-cogniata” (vùng đất đai chưa ai biết tới), và tất cả những chuyến đi, dù có cách nhà bao xa, cũng giống như cuộc viễn chinh nơi địa cực và mang hơi hướng anh hùng ca.
Thoreau không hề ảo tưởng; ông cũng chẳng phải là anh chàng Walter Mitty[2] đáng thương hình dung cuộc đời mình hoành tráng hơn nhiều so với những gì nó vốn có. Chỉ là vì những giác quan của ông quá đỗi bén nhạy, và trí tưởng tượng của ông quá đỗi thăng hoa, sự rung động trong tâm hồn ông quá đỗi mạnh mẽ, cho nên nguyên chuyện khám phá sân sau nhà mình thôi cũng thực sự giống như một chuyến phiêu lưu để đời, vĩ đại. Một cuốc đi bộ đường dài ở vùng lân cận cũng đủ để phục hồi cảm giác tin tưởng vào bản thân trong ông; một chuyến cắm trại ở một bang lân cận cũng đủ để trở thành một chuyến du hành vào trong miền hoang dã. Một con dấu trên cuốn hộ chiếu không phải là điều kiện tiên quyết để duy trì những chuyến hành trình của ông về với thiên nhiên bao la và sự huyền bí vô tận của tâm hồn.
Thực hiện những chuyến xê dịch nhỏ mang tính biểu tượng sẽ dẫn tới điều gì đó to tát hơn
“Cho dù tôi đã già đủ để nhận ra rằng những ước mơ thời trai trẻ không phải là thứ sẽ được khai phá ở vào giai đoạn này của cuộc đời nhưng tôi nghĩ đó sẽ là niềm hạnh phúc lớn khi luôn được phép nhìn nhận trong cái chớp mắt của thời gian và suy ngẫm chín chắn với một sự hiểu biết rõ ràng rằng tôi không đạt được chúng.”
Những cuộc phiêu lưu của Thoreau không cần thiết phải thật vĩ đại mới có thể đem lại sự thỏa mãn bởi vì sức mạnh của chúng bắt nguồn từ đặc tính tượng trưng của chúng. Chúng đại diện cho điều gì đó lớn lao hơn và tạo ra ý nghĩa bao trùm và vượt xa những phần cấu thành nên chúng.
Rõ ràng nhất là khi Thoreau ở lại bên đầm Walden.
Đối với những con người sống trong xã hội hiện đại như chúng ta, sự lưu trú tạm thời của Thoreau bên đầm Walden cũng giống như sự di chuyển lớn lao, đầy kịch tính mà nhiều người ước rằng họ có thể thực hiện, nhưng lại có vẻ như nằm ngoài tầm với. Rốt cục, dù cho ngay cả ở vào thời đại của Thoreau đi chăng nữa, việc một người rời xa đời sống thường nhật, giảm thiểu các tài sản của bản thân và dành ra hai năm sống trong một căn nhà gỗ nhỏ, tận hưởng sự cô độc, tự canh tác lương thực, và giao hòa với thiên nhiên cũng là một điều lạ lùng.
Sự thật là, cuộc sống bên đầm Walden của Thoreau không thực sự đơn độc, ban sơ, hay hoang dã như những gì chúng ta vẫn hằng tưởng tượng. Nếu đem so sánh với những người đi khai hoang qua đất liền, với những nhà văn khác đã từng thực sự cư ngụ nơi miền Tây hoang dã hay giong buồm vượt biển, thì hành động của nhà hiền triết mới thật vô vị làm sao. Ngôi nhà gỗ của ông có thể nhìn thấy được từ con đường mòn thường xuyên có người qua lại, chỉ cách tuyến đường ray xe lửa có 500 yard, và cách Concord có hai dặm đường. Mà ngay cả Thoreau cũng không hề đơn độc đến thế; ông vẫn thường chào đón khách viếng thăm, nhiều khi có tới ba mươi người ghé qua căn nhà gỗ của ông trong một thời điểm. Và đó cũng không hoàn toàn là một cuộc rèn luyện tự lực cánh sinh: Emerson là chủ sở hữu của vùng đất nơi Thoreau dựng ngôi nhà gỗ, mẹ và chị gái ông vẫn thường mang thức ăn tới cho ông, và ông cũng thường xuyên về nhà để ăn tối với gia đình mình.
Các nhà phê bình sẽ chỉ ra “sự mập mờ” như vậy là bằng chứng cho thấy rằng sự ẩn dật của Thoreau khỏi xã hội là không “thuần túy” hay “đích thực,” và rằng bản thân vị triết gia là kẻ làm bộ làm tịch.
Tuy vậy sự hiện diện vừa phải của thiên nhiên trong những hoạt động của ông đều có chủ đích riêng của nó. Thoreau nhìn nhận thí nghiệm của mình bên đầm Walden là một dạng thế giới thu nhỏ, một sự mô phỏng, một phòng thí nghiệm, mà ở đó sẽ cho thấy việc tìm lại một chút ít sự hoang dã là điều mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được ở bất kỳ nơi đâu – rằng nó không hề đòi hỏi một sự rút lui và tách biệt hoàn toàn khỏi xã hội. Ông muốn nhấn mạnh rằng “có những lợi ích nhất định khi sống một cuộc đời ban sơ và ở nơi vùng biên – dù cho là ngay giữa nơi nằm bên ngoài nền văn minh.”
Như Richardson đã giải thích:
“Mọi khía cạnh của cuộc di chuyển tới đầm Walden là một sự biểu tượng và biểu hiện. Bản thân cuộc di chuyển là một sự giải phóng khỏi thị trấn và gia đình, việc dựng căn nhà gỗ là bằng chứng cho khả năng của ông trong việc tìm chốn ẩn náu cho bản thân, việc trồng đậu cho thấy ông có thể tự nuôi mình, và còn có thể dự trữ lương thực.”
Walden là biểu tượng cho một Thoreau 28 tuổi, người đã buông xuôi sau khi tốt nghiệp đại học và chưa từng thực sự sống theo ý mình, rằng ông có thể sống độc lập hơn; có thể trong toàn bộ quá trình ông đã không tự lực một cách tuyệt đối, nhưng rốt cục thành quả cố gắng cũng thể hiện ở một mức độ đáng kể những nỗ lực và sự tận tâm của bản thân ông.
Walden cũng còn là một biểu tượng cho việc nếp suy nghĩ của một người có ý nghĩa hơn nhiều so với vị trí địa lý của người đó, và rằng sự hoang dã và tính khác thường có thể tồn tại ở bất cứ nơi nào in dấu chân của ta. “Tất cả những điểm trọng yếu” của Thoreau, theo như lời Richardson, là “cuộc sống ban sơ và ở nơi vùng biên là một thái độ tinh thần, mang tính cá nhân về cuộc sống, một quan điểm không đòi hỏi tới sự sắp đặt vật chất mang tính ban sơ nơi biên giới xa xôi thực thụ … Quan trọng không phải là bạn nhìn gì mà là bạn thấy gì.” Thoreau cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh, bạn có thể tìm thấy bất kỳ điều gì mà bạn muốn tìm; “với phần lớn là sự quạnh hiu như khi tôi sống nơi thảo nguyên,” ông viết trong tác phẩm Walden. “Cũng giống như là ở châu Á hay châu Phi hay New England. Tôi có, cũng như đã từng có, mặt trời và mặt trăng và những vì sao của riêng mình, và một thế giới nho nhỏ cũng là tất cả đối với tôi.”
Cuối cùng, Walden hẳn là biểu tượng cho thấy rằng một sự trải nghiệm không hoàn toàn “thuần túy” thực ra cũng có thể thành công hơn thứ gì đó hoàn toàn thuần khiết. Khi ở bên đầm Walden, Thoreau đã có thể sống một đời sống hoàn toàn chan hòa giữa thiên nhiên và vô cùng trầm tư mặc tưởng; sự kết hợp của an toàn và cô độc, thiên nhiên và an nhàn, biệt lập và hòa nhập xã hội, mang tới nguồn cảm hứng dồi dào cho việc viết lách của ông; cả hai cuốn sách toàn vẹn duy nhất mà ông xuất bản trong cuộc đời mình đều được chắp bút trong thời gian này.
Cuộc trải nghiệm mang tính biểu trưng của Walden không chỉ minh chứng cho điều gì đó đối với bản thân Thoreau, mà nó còn cho những người khác thấy được rằng một lối sống, cho dù không hoàn toàn hoang dã, gần gũi hơn với thiên nhiên và gần gũi hơn với cốt lõi của sự giản dị, là hoàn toàn có thể. Đó là một sự thực nghiệm mang tính riêng tư, mà vẫn hàm ý tới cả cá nhân và cộng đồng.
Thoreau chủ đích tạo ra một câu chuyện hoang đường từ trải nghiệm của ông bên đầm Walden – một câu chuyện kể mà tại đó các chi tiết về ai, cái gì, nơi nào, và tại sao không quan trọng bằng việc những bài học tổng quát mà câu chuyện truyền đạt. “Một số sự việc xảy ra trong cuộc đời tôi dường như còn mang tính phúng dụ hơn thực tế,” ông giãi bày như vậy. Và rằng đó không phải là chuyện xấu gì. Cái sức mạnh cộng hưởng từ những biểu tượng nhỏ lẻ quả thực có thể trở nên vô cùng lớn lao.
Kết luận
“Có trong mỗi người là những hạt giống của nhuệ khí anh hùng, mà sẽ đâm chồi chỉ với việc khuấy động tầng đất mặt.”
“Tôi không muốn cảm thấy như thể cuộc đời mình là một sự tạm bợ thêm nữa. Giờ là lúc tôi bắt đầu sống.”
Tránh khỏi một cuộc đời tuyệt vọng trong im lặng không có nghĩa là y theo những gì mà Thoreau từng làm. Ông không chỉ làm việc theo sự tượng trưng, mà cả cuộc đời ông là một biểu tượng – một típ người mà từ đó những người khác có thể rút ra những bài học thông thường.
Bài học quan trọng nhất trong số đó là học lấy nghệ thuật biến ít thành nhiều. Điều này không nhất thiết có nghĩa là từ bỏ những mục tiêu to tát, hướng ra ngoài thế giới, hay niềm đam mê dành cho những chuyến phiêu lưu tới những miền đất xa xôi, hay công việc toàn thời gian để đổi lấy sự mãn nguyện trong tĩnh tại, thư thả nơi thiên nhiên và bên gia đình. Nhưng điều đó lại có nghĩa là học cách để thấy hài lòng với những gì là “hoang dã và tự do,” để bất cứ điều gì ẩn sau những điều cốt yếu giản đơn của cuộc sống đều có thể đạt được bởi sự lựa chọn tự chủ, thay vì khát khao cưỡng cầu.
Khi mà bạn chân thành cảm nhận rằng những điều ở bên trong tâm hồn mình, và ở khu vườn phía sau nhà bạn, là đủ để mang tới cho bạn niềm vui và sự hứng khởi vô tận, khi mà bạn có thể ở một mình mà không thấy chán chường, thì bạn sẽ có được sức mạnh để theo đuổi những mục tiêu đầy tham vọng mà không bị cám dỗ bởi việc làm tổn hại những nguyên tắc của chính mình để có được chúng. Bạn sẽ có được sức mạnh để làm những công việc chỉ đủ trang trải cho những thứ cần thiết, và/hoặc bởi vì bạn yêu thích điều đó, thay vì một con đường dẫn tới nhiều của cải hơn hay những địa vị trần tục. Bạn sẽ có được sức mạnh để bước ra khỏi vòng xoáy hưởng lạc và cảm thấy bạn vốn đã vô cùng giàu có với những thứ quanh mình.
Sức mạnh này bắt nguồn từ việc rèn luyện nghệ thuật quan sát, và gợi mở các giác quan của bạn để trải nghiệm nhiều hơn trong môi trường sống của mình. Bạn cảm thấy như thể bạn đã thấy hết rồi, nhưng thực ra không phải. Lần tới khi mà bạn đứng trước một cái cây, bạn hãy thu hẹp tầm nhìn của mình bằng cách chỉ quan sát vỏ cây thôi. Hay nếu như bạn đang ngồi trên bãi cỏ, hãy nhìn vào đó. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng thể nhớ ra lần cuối cùng bạn thật sự nhìn vào một thứ nào như vậy là bao giờ. Bạn sẽ nhận ra rằng có lẽ bạn đã không chú ý tới đến một nửa các chi tiết vẫn thường có đó. Vẫn còn quá nhiều điều để khám phá bên ngoài kia.
Và đây nữa, cũng không chỉ đúng với tự nhiên. Dường như đã quá đỗi lâu rồi kể từ khi bạn bắt điệu với kho tàng cảm xúc nơi tình bằng hữu. Hay ngừng lại để cảm nhận về độ sâu tình yêu mà bạn dành cho vợ và con cái mình. Hãy dừng lại để thưởng ngoạn và đắm chìm trong những điều “nhỏ bé” đã lớn lên thành sự phong phú và mãn nguyện nuôi dưỡng con tim.
Một khi bạn học lại thứ ngôn ngữ của sự tôn kính và kinh ngạc, bạn có thể bắt đầu tìm kiếm những chuyến phiêu lưu nơi sân sau nhà bạn. Rồi bạn sẽ nhận ra một cuốc đi bộ quanh nhà, hay một lần bơi lội nơi chiếc hồ gần đó, cũng mang đến cảm giác phiêu lưu, làm trẻ lại, và thậm chí siêu việt hơn hẳn so với sự tưởng tượng của bạn.
Mong rằng điều này sẽ thúc đẩy bạn đến với việc thử nghiệm những chuyến xê dịch nho nhỏ mà hóa ra sẽ mang lại những tác động to lớn. Mỗi một niềm tin bên trong tâm hồn nên tìm lấy một cách thức để thể hiện ra bên ngoài, và việc bạn làm như thế nào sẽ ít quan trọng hơn nhiều so với việc bạn thực sự làm điều đó, dù chỉ đôi khi. Đừng quá cứng nhắc với việc liệu một điều có phải là thuần túy hay hoàn hảo hay không, chỉ cần làm điều gì đó là đủ. Thay cho việc đòi hỏi một sự trải nghiệm toàn diện về cái giá trị mà bạn ao ước bày tỏ, hãy cho phép nó được thể hiện đơn giản theo giá trị của nó; hành động dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng tốt hơn là việc chỉ nung nấu những ý định suông, bởi vì “chúng ta không muốn tính chất trọn vẹn mà là sự mãnh liệt của cuộc sống.” Bạn sẽ sớm nhận ra rằng những điều nhỏ bé cũng có thể mang tới những giá trị biểu trưng lớn lao – cho cả bản thân bạn, và cả những người khác.
Hãy tham gia vào một hoạt động nào đó chẳng hạn như lớp học CrossFit có thể sẽ giúp bạn khỏe mạnh hơn, nhưng sức mạnh mà nó biểu hiện, cái cách mà nó sẽ chứng minh cho bạn thấy rằng bạn xem trọng việc rèn luyện cơ thể, và sẵn lòng thực hiện hành động một cách có chủ đích, sẽ còn quan trọng hơn nữa. Nó cũng sẽ chỉ cho con cái bạn thấy rằng bạn tập tành một cách nghiêm túc. Việc nói không dù chỉ một lần trước những yêu cầu phi lý của cấp trên có thể không phải là một quyết định gây chấn động thế giới, nhưng nó sẽ trở thành một biểu tượng đối với bản thân bạn rằng sự quyết đoán của bạn vẫn còn đó. Biết đâu một người đồng nghiệp khi chứng kiến hành động ấy nơi bạn, có thể cũng được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên thì sao.
Tác động của một sự chuyển dịch mang tính hình tượng luôn có sức lan tỏa; khi một người hành động dựa trên niềm tin của bản thân, dù cho là theo những cách nhỏ nhất, “sự lan truyền cảm xúc của việc làm gương của anh ta sẽ là chiếc đòn bẩy cho cả thế giới.” Thí dụ thích đáng: hai thế kỷ sau, chúng ta vẫn còn đang nói về thời điểm một con người sống trong một căn nhà gỗ nhỏ bên một cái hồ nhỏ trong vài năm.
Vì vậy, trước khi bạn bắt đầu với những mục tiêu lớn, những vật sở hữu mới, và chu du tới những vùng đất kỳ lạ – hãy xem xem liệu bạn có thể rút ra điều gì đó từ việc đào sâu hơn vào cuộc đời hiện tại của mình. Hãy hút lấy thứ cốt tủy mà những người khác đều bỏ qua.
“Hãy làm những gì mà anh yêu thích,” đây là câu nói của Thoreau mà vẫn thường được người đời nhắc đến. Nhưng phần còn lại của câu nói ấy cũng quan trọng không kém:
“Hiểu rõ bản thân niềm đam mê của anh; đừng để nó bị sao lãng khỏi anh quá lâu.”
Sources: Henry Thoreau: A Life of the Mind by Robert D. Richardson