Thật khó để thừa nhận, nhưng với một số người trong chúng ta, cuộc đời dường như là chuỗi ngày lặp lại một câu hỏi quen thuộc, tuần này qua tuần khác, giữa những cảm xúc hỗn độn của thất vọng, buồn bã và bối rối: Tại sao mình lại cảm thấy cô đơn đến thế?
Tại sao mình lại thường xuyên lạc lõng giữa đám đông? Tại sao việc kết nối với người khác không dễ dàng hơn? Và tại sao mình chẳng có nhiều bạn bè đủ để gọi là tri kỷ?
Khi đối mặt với nỗi cô đơn, ta thường nhanh chóng đưa ra những kết luận đầy khắc nghiệt: rằng mình kém cỏi, rằng có điều gì đó sai lệch ở bản thân, hoặc rằng mình xứng đáng bị xa lánh.
Nhưng sự thật lại không tàn nhẫn đến vậy. Thực tế, lý do cho cảm giác cô đơn này thường rất hợp lý và có phần dễ tha thứ: chúng ta – những người thuộc “bộ tộc” cô độc – cảm thấy như vậy không phải vì chúng ta có lỗi, mà vì chúng ta dành sự quan tâm đặc biệt cho thế giới nội tâm. Trong khi đó, đa phần mọi người – dù thông minh, sắc sảo hay tài năng – lại không có cùng mối bận tâm đó.
Họ có thể sôi nổi, nhiều đam mê, và hào hứng bàn luận về vô số vấn đề, nhưng lại không tìm thấy hứng thú trong việc soi chiếu vào chính tâm hồn mình. Đối với họ, một ngày lý tưởng không bao gồm việc nghiền ngẫm tuổi thơ, tìm kiếm mối liên kết giữa cảm xúc và hành động, hay nằm trầm tư suy ngẫm về những khúc mắc trong tâm trí. Tự soi xét không phải là “gu” của họ.
Họ có thể không nhận ra điều này, và cũng chẳng bao giờ nói ra, nhưng ta cảm nhận rõ qua những tương tác: những cuộc trò chuyện dừng lại ở những chủ đề vụn vặt như giá vé tàu, cách làm bánh muffin, hay những câu chuyện về một người bạn cũ không mấy thân thiết. Khi ta cố gắng chuyển hướng sang điều gì đó sâu sắc hơn, mọi thứ thường chỉ quay về những chủ đề bề mặt như thể thao hay tin tức.
Họ không hẳn là lạnh lùng, nhưng cách họ tiếp cận cuộc sống có thể khiến ta cảm thấy bị bỏ rơi, bởi họ không quan tâm đến việc bộc lộ hay khám phá những gì thật sự diễn ra trong lòng mình. Đôi khi, ta còn ngạc nhiên khi họ gọi ta là “bạn thân”, dù giữa hai bên chẳng có nhiều sự kết nối thực sự.
Chúng ta cần hiểu rằng, hầu hết những người ta gặp – dù họ có thiện chí đến đâu – sẽ không sẵn sàng đánh đổi sự thoải mái để đi sâu vào vùng đất tâm hồn đầy thử thách.
Về phía ta, nỗi cô đơn thực ra phản ánh việc ta đang tìm kiếm một loại kết nối rất đặc biệt – một dạng thân mật hiếm hoi hơn ta tưởng. Nếu trong đời, ta may mắn gặp được một hoặc hai người có chung “ngôn ngữ tâm hồn,” đó đã là điều vô giá.
Phần lớn thời gian còn lại, thay vì trách móc bản thân vì cô đơn, ta nên hiểu rằng điều đó hoàn toàn tự nhiên. Đúng là đau lòng, nhưng cũng thật hợp lý: thú vui ta yêu thích – khám phá chiều sâu nội tâm – là một điều rất đẹp, nhưng cũng cực kỳ hiếm.