Tất nhiên, dù có cưới ai thì ta vẫn có thể nhầm một chút xíu. Trong chuyện này, khôn ngoan là biết bi quan đúng mực. Hoàn hảo thì hiếm gặp. Bất hạnh thì thường xuyên. Tuy vậy, đôi khi gặp phải một cặp lệch nhau đến cùng cực, kỵ nhau tận gốc rễ, thì ta đành phải kết luận rằng có thứ gì đó đã vượt quá khỏi sự thất vọng cũng như những căng thẳng thông thường vẫn có trong mỗi mối quan hệ lâu dài: một số người đơn giản là không nên sống cùng nhau.
Những sai lầm này xảy ra như thế nào? Dễ dàng lẫn thường xuyên đến kinh hoàng. Nếu chuyện cưới nhầm người là thứ sai lầm dễ dàng nhất và cũng là đắt giá nhất mà ai trong chúng ta cũng có thể phạm phải (và là thứ sai lầm sẽ đặt gánh nặng to đùng lên xã hội, lên các chủ doanh nghiệp, lên cả thế hệ sau) thì thật kinh khủng, thậm chí là tội ác, khi vấn đề cưới xin cho thông minh không được đưa ra bàn một cách hệ thống ở một tầm mức cá nhân hoặc quốc gia như vấn đề an toàn giao thông hay hút thuốc.
Buồn hơn nữa vì sự thật là những lý do vì sao người ta chọn nhầm lại thường dễ vạch ra và cấu trúc của chúng chẳng có gì bất ngờ. Chúng thường rơi vào một số mục căn bản sau:
#1. Ta không hiểu chính bản thân ta
Lầu đầu tìm bạn đời, chúng ta thường đưa ra những yêu cầu và tô vẽ chúng bằng một sự mơ hồ đầy cảm tính không rõ ràng và đẹp đẽ: ta sẽ nói rằng mình thực sự muốn tìm ai đó “tử tế” hoặc “vui khi sống cùng”, rồi “hấp dẫn” hoặc “thích phiêu lưu…”
Không phải là những mong muốn đó sai, chúng chỉ không đủ chính xác chút nào trong việc giúp ta hiểu bản thân mình cần gì hòng có lấy một cơ hội để mà sống hạnh phúc – hay nói đúng hơn, để không phải đau khổ triền miên.
Tất cả chúng ta đều hâm theo nhiều cách rất cá biệt. Chúng ta loạn thần kinh, mất cân bằng, và thiếu chín chắn theo lắm kiểu khác nhau rõ rệt; nhưng ta thường không biết rõ chi tiết về cái sự khùng này vì chẳng ai cố động viên ta tìm hiểu nó. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên lẫn cấp bách nhất mà bất cứ kẻ đang yêu nào cũng phải làm là nắm bắt được những cách hâm đặc biệt của mình. Nói kiểu khác, họ phải đuổi kịp chứng rối loạn thần kinh của chính họ. Họ phải hiểu thấu rằng cái hâm nó từ đâu đến, điều gì khiến họ hâm – và quan trọng nhất, loại người nào sẽ khiến họ trở nên hoặc hâm hơn hoặc bớt hâm. Một cuộc hôn nhân tốt không hẳn là cuộc hôn nhân giữa hai người khỏe mạnh (không có mấy người như vậy trên hành tinh này đâu), nó là cuộc hôn nhân giữa hai kẻ loạn trí nhưng có kỹ năng hoặc có đủ may mắn để tìm thấy một chỗ trú tỉnh táo không gây hiểm họa cho cái khùng của nhau.
Chính cái ý tưởng “có lẽ ta không quá khó như người” đã khiến bất cứ kẻ nào sắp thành vợ thành chồng trong tương lai phải gióng hồi chuông cảnh giác. Vấn đề chỉ là rắc rối sẽ nằm ở đâu: biết đâu ta ngầm có xu hướng nổi đóa khi ai đấy không đồng ý với mình, hoặc ta chỉ thư giãn được lúc đang làm việc, hoặc ta hơi khó mà thân mật được sau khi đã làm tình, hoặc ta không được giỏi lắm khi phải giải thích việc gì đang diễn ra lúc ta lo lắng. Chính những vấn đề kiểu này – qua hàng thập kỷ – sẽ gây nên lắm thảm họa, thành thử ta cần phải biết về chúng thật sớm, để còn đi tìm người có cấu tạo tối ưu mà chịu đựng mấy tính điên của ta. Cho nên một câu hỏi căn bản trong bất kỳ bữa ăn tối hẹn hò thời kỳ đầu nào sẽ là: “Vậy em/anh hâm như thế nào?”
Vấn đề là chẳng dễ mà kiếm được kiến thức về chứng loạn thần kinh của ta. Nó có thể mất hàng nhiều năm, và (sau khi ta đã lâm vào) nhiều hoàn cảnh mà ta chẳng hề có kinh nghiệm xử lý gì trước đó. Trước khi kết hôn, ta hiếm khi vướng vào những căng thẳng khiến phải cầm gương soi lại sự rối rắm của bản thân. Bất cứ khi nào một mối quan hệ ngẫu nhiên đe dọa bộc lộ mặt “khó chịu” của bản chất mình ra, ta thường đổ lỗi luôn cho “đối phương” – và coi như thế là xong chuyện. Còn với bạn bè, họ dĩ nhiên là chả quan tâm đủ để có động cơ mà chọc ngoáy vào con người thật của ta, họ chỉ muốn một buổi tối đi chơi vui vẻ. Vì thế, kết quả là ta thường mù tịt về các khía cạnh kỳ quặc của bản tính mình. Lúc có mỗi mình mình, khi tức giận, ta không kêu gào vì chẳng có ai ở đấy mà nghe – nên ta thường bỏ lơ cái sức mạnh thực sự và đáng lo ngại của khả năng giận dữ trong ta. Hoặc là ta làm việc quần quật tối ngày, bởi chẳng có ai chờ ta về nhà ăn bữa tối, ta điên cuồng dùng công việc để thu được cảm giác là mình đang kiểm soát đời mình – và ta có thể cáu tiết nếu ai đó định ngăn ta lại. Vào ban đêm, tất cả những gì ta nhận ra được là thật ngọt ngào làm sao nếu được ôm ai đó, nhưng ta lại không có cơ hội để đối mặt với cái khía cạnh muốn né tránh sự thân mật của ta – cái khía cạnh khiến ta trở nên lạnh nhạt và lạ lùng mỗi khi nó cảm thấy ta đang gắn bó quá sâu đậm với ai đó. Một trong những ưu điểm lớn nhất của độc thân là cái ảo tưởng rất chi nịnh nọt rằng mình thật sự là một người khá dễ chịu để kẻ khác sống cùng.
Với mức độ nhận thức quá kém về tính cách của mình, chả trách sao ta chẳng có đủ tư cách để tìm hiểu xem người chúng ta nên tìm là ai.
#2. Ta không hiểu người khác
Rắc rối này còn bị chồng chất lên (rắc rối của mục 1), do đối tượng cũng kẹt trong cái tình trạng thiếu kiến thức về bản thân họ y như ta. Mặc dù có thể có thiện chí đấy, họ cũng (như ta) chẳng có vị thế gì mà hiểu rõ, nói chi đến chuyện cho ta biết họ hâm như thế nào.
Bình thường ra, chúng ta cũng cố gắng tìm hiểu về người mình sắp cưới. Ta đến thăm gia đình họ, có thể sẽ ghé xem ngôi trường nơi họ lần đầu vác cặp đi học. Ta ngắm nghía các bức ảnh, gặp gỡ bạn bè của họ. Tất cả những việc này cho ta cảm giác rằng mình đã làm đủ bài tập về nhà. Nhưng thực chất ta chả khác gì một chàng phi công tập sự, tự tin rằng mình có thể lái máy bay sau khi phóng thành công một chiếc phi cơ giấy lòng vòng trong phòng.
Ở một xã hội khôn ngoan hơn, những ai đang tính chuyện kết hôn sẽ bắt đối tượng của mình làm một bản khảo sát chi tiết về tâm lý rồi dắt nhau đến một đội bác sĩ tâm lý để kiểm tra. Đến năm 2100 thì điều này không còn nghe như chuyện đùa nữa. Điều bí hiểm lúc đó lại là: sao nhân loại phải mất quá lâu mới hiểu ra (rằng họ phải làm) việc ấy.
Chúng ta cần phải hiểu thấu đáo não trạng của người mình sắp cưới hoạt động theo kiểu gì. Ta phải biết thái độ của họ, hay lập trường của họ, về quyền lực, về vinh nhục, về nội tâm, về chuyện chăn gối, về dự phóng, về tiền bạc, con cái, tuổi già, lòng thủy chung, và hàng trăm thứ khác nữa. Kiến thức này sẽ không bao giờ thu nhặt được qua một buổi tán chuyện theo chuẩn thông thường.
Khi thiếu tất cả những thứ này, chúng ta – đa phần – hay bị vẻ bề ngoài dắt mũi. Hình như có biết bao nhiêu là thông tin có thể thu lượm được đôi mắt, cái mũi, vầng trán, từ sự phân bố các đốt tàng nhan, nụ cười… Nghĩ như thế thì cũng khôn ngoan ngang với việc cho rằng một cái ảnh chụp bên ngoài nhà máy điện nguyên tử có thể cho ta biết mọi điều ta cần biết về phản ứng hạt nhân.
Chúng ta “phóng chiếu” cho người yêu lắm cái hoàn hảo dù bằng chứng cho sự hoàn hảo đó rất ít ỏi. Khi nhào nặn nên nguyên cả một nhân cách từ vài chi tiết nhỏ – nhưng sinh động khủng khiếp – chúng ta đang làm với phẩm chất bên trong một con người cái việc mà đôi mắt ta vẫn hay làm với phác thảo một gương mặt.
Ta đâu thấy rằng đây là bức vẽ một người không lỗ mũi, không lông mày và có mỗi 8 cọng tóc. Ta tự động thêm vô những phần bị thiếu mà chẳng hề nhận ra mình đang làm việc đó. Não ta đã quen với chuyện dựng nên cả một hình ảnh từ vài gợi ý thị giác nho nhỏ – và ta cũng thêm thắt y thế với tính cách của đối tượng mình muốn cưới. Sâu thẳm trong mỗi chúng ta có một chàng nghệ sĩ chuyên mông má, ta không đề cao chàng nên bản thân thường phải trả giá đắt.
Mức độ kiến thức ta cần có cho một cuộc hôn nhân tốt đẹp sẽ cao hơn so với những gì xã hội có khả năng chấp nhận, nhận ra, và cung cấp – do đó những hành vi tìm hiểu ta làm trước khi kết hôn thường sai trầm trọng.
#3. Ta không quen với cảm giác hạnh phúc
Ta tin rằng mình tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng nào có đơn giản thế. Có vẻ như cái chúng ta thực sự tìm là sự quen thuộc – thứ có thể làm phức tạp hóa bất kỳ kế hoạch đi tìm hạnh phúc nào của ta.
Trong các mối quan hệ thời trưởng thành, chúng ta tái tạo lại một số cảm xúc mình đã biết từ thời thơ ấu. Chính lúc còn nhỏ mà ta lần đầu biết đến cũng như hiểu được ý nghĩa của tình yêu. Nhưng rủi thay, những bài học ta thu lượm được ngày ấy không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tình yêu ta biết thời thơ ấu có thể còn đan xen với những động lực không mấy dễ chịu khác: bị kiểm soát, cảm thấy nhục nhã, bị bỏ rơi, không giao tiếp được với ai; nói ngắn gọn: ta đau khổ.
Khi trưởng thành, ta có thể sẽ từ chối một số đối tượng lành mạnh mà ta gặp, chẳng phải do họ có gì sai, nhưng chính là vì họ quá cân bằng (quá chín chắn, quá biết thông cảm, quá vững chãi…) và cái sự “đúng” này cho ta cảm giác kỳ cục, lạ lẫm, gần như bị “ngợp”. Thay vào đó, ta đâm đầu vô các ứng viên mà tiềm thức của ta bị cuốn vào họ, chả phải vì họ khiến ta hài lòng, mà vì họ sẽ khiến ta khó chịu theo những cách quen thuộc.
Ta cưới nhầm người do cái đúng đắn khiến ta có cảm giác sai sai thế nào ấy – cảm giác rằng mình không xứng đáng; bởi vì ta không có kinh nghiệm về thế nào là lành mạnh, bởi vì về căn cơ ta không thể liên hệ giữa được yêu với cảm giác được thỏa mãn.
#4. Tình trạng độc thân thật là ghê rợn
Một người sẽ không bao giờ có tâm trạng tốt để mà chọn bạn đời một cách minh mẫn khi vẫn còn coi độc thân là không chịu đựng nổi. Phải hoàn toàn yên bình với viễn cảnh sẽ cô đơn trong nhiều năm thì mới có cơ xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp. Còn không, ta sẽ yêu cái sự không độc thân hơn là yêu chính kẻ phối ngẫu đã cứu ta khỏi độc thân.
Thật xui, sau một độ tuổi nhất định, xã hội thường khiến việc sống độc thân thành khó chịu đến nguy hiểm. Cuộc sống cộng đồng bắt đầu teo tóp, những kẻ có đôi có cặp thì quá sợ tính độc lập của bọn độc thân đến nỗi không mời chúng đến chơi thường xuyên nữa, ta bắt đầu cảm thấy lập dị khi tới rạp xem phim một mình. Tình dục cũng thành khan hiếm. Mặc cho mọi thứ công cụ mới, cùng những mặt (có vẻ) tự do của thời hiện đại, ngả thân ra với ai đấy có thể vẫn rất khó khăn – và sự kỳ vọng làm được việc này thường xuyên với nhân sự mới rồi sẽ kết thúc bằng nỗi thất vọng khi ta bén ngưỡng 30.
Sẽ tốt hơn nếu ta sắp xếp lại xã hội, sao cho nó trông giống một trường đại học hay một hợp tác xã – ta ăn uống cùng nhau, dùng chung cơ sở vật chất, tiệc tùng miên man và va chạm tình dục tự do… Theo cách đấy, bất cứ ai quyết định kết hôn sẽ biết chắc rằng họ làm thế là vì những mặt tích cực của việc sống chung, chứ không phải vì muốn thoát khỏi những mặt tiêu cực của đời độc thân.
Khi tình dục là thứ chỉ có sẵn trong khuôn khổ hôn nhân, thiên hạ nhận thấy rằng điều này từng khiến lắm kẻ cưới nhau sai mục đích: để đạt được cái thứ mà toàn xã hội hồi ấy đã ngăn cấm một cách thiếu tự nhiên. Giờ đây khi đã tự do để đưa ra những chọn lựa tốt hơn nhiều về đối tượng mình muốn cưới, người ta không còn đáp ứng một cách thô sơ trước một ham muốn tuyệt vọng về tình dục.
Nhưng ta vẫn còn thiếu sót ở những lĩnh vực khác. Khi phải thành cặp rồi thì mới “có bầu có bạn”, thiên hạ sẽ kết đôi chỉ để không phải cô đơn. Đã đến lúc giải phóng “tình bầu bí” khỏi xiềng xích của vợ chồng, và giúp có được nó dễ dàng lẫn rộng rãi như những nhà giải phóng tình dục từng mong muốn tình dục được như thế.
#5. Quá tin vào bản năng
Vào thời xưa, hôn nhân là một vụ làm ăn đầy lý trí; tất cả là để gộp mẩu đất nhà mình vào đất nhà họ. Thực là lạnh lùng, tàn nhẫn, và chẳng liên quan gì đến hạnh phúc của hai nhân vật chính. Chúng ta vẫn còn bị chấn thương tâm lý vì chuyện này.
Chúng ta (bèn) thay thế hôn nhân của lý trí bằng hôn nhân của bản năng, thứ hôn nhân Lãng mạn. Nó chỉ định rằng cảm xúc của ta về ai đấy là kẻ dẫn đường duy nhất đến hôn nhân. Nếu ta thấy mình “đang yêu,” vậy là đủ. Không cần hỏi thêm gì nữa. Cảm xúc luôn chiến thắng. Kẻ đứng ngoài cuộc chỉ còn biết vỗ tay khi thấy “tình cảm” tiến đến, tôn trọng nó như một người phàm khi thấy thần thánh giáng trần. Bố mẹ có thể kinh hãi, nhưng đành cho rằng hai đứa nó biết rõ hơn mình. Từ 300 năm nay, chúng ta đang cùng nhau phản ứng chống lại hàng ngàn năm của các cuộc se duyên vô dụng dựa trên định kiến, đua đòi, và thiếu trí tưởng tượng.
Kiểu “hôn nhân lý tính” thời xưa quá thận trọng và rởm đời, đến nỗi một trong những đặc điểm của loại “hôn nhân cảm xúc” ngày nay là: ta không nên suy nghĩ quá nhiều về lý do tại sao mình muốn cưới ai đó. Phân tích quyết định mang lại cảm giác “không lãng mạn”. Viết bảng biểu “nên-không nên” nghe có vẻ lố bịch và lạnh lùng. Hành động lãng mạn nhất ta có thể làm là cầu hôn thật nhanh, thật bất ngờ; thậm chí chỉ sau có vài tuần, trong một cơn hào hứng – để chẳng có cơ nào mà làm chuyện “tính toán” xấu xa kia, thứ từng khiến loài người đau khổ suốt hàng ngàn năm trước. Sự liều lĩnh dường như là một dấu hiệu báo rằng cuộc hôn nhân có thể ổn, chính xác vi kiểu “an toàn” xưa cũ thực là nguy hiểm cho hạnh phúc của ta.
#6. Không có trường nào dạy ta tình yêu
Thời điểm đã đến với kiểu hôn nhân thứ ba. Hôn nhân của tâm lý. Ở đây người ta không cưới nhau vì đất, hay vì “cảm xúc” đơn thuần, mà chỉ khi “cảm xúc” đã được trình ra cho kiểm tra đàng hoàng, và có được sự che chở từ một nhận thức chín chắn của chính ta và của tâm lý đối phương.
Giờ đây, ta kết hôn mà chẳng có thông tin nào. Chúng ta gần như không bao giờ đọc sách chuyên về đề tài này, ta chưa bao giờ dành nhiều thời gian sống cùng trẻ con, ta không khắt khe thẩm vấn những cặp đã kết hôn khác hay có khi nào nói chuyện chân thành với những kẻ đã ly dị. Ta xông vào cưới mà chẳng có lý lẽ thấu đáo nào để lý giải vì sao các cuộc hôn nhân thất bại – ngoài chuyện ta tự cho rằng đó là do sự ngu ngốc hoặc thiếu tưởng tượng của “đối phương”.
Vào thời hôn nhân của lý tính, thiên hạ thường cân nhắc những tiêu chuẩn sau đây khi kết hôn:
– Bố mẹ họ là ai
– Họ có bao nhiêu đất
– Họ có những điểm chung gì về văn hóa với ta
Vào thời hôn nhân lãng mạn, ta có thể cân nhắc các tiêu chuẩn sau để đi đến kết hôn:
– Ta không ngừng suy nghĩ đến một người yêu
– Ta bị chuyện tình dục ám ảnh
– Ta nghĩ “họ” thật tuyệt vời
– Lúc nào ta cũng muốn trò chuyện với họ
(Cho hôn nhân tâm lý) chúng ta cần một bộ tiêu chuẩn mới. Ta nên tự hỏi:
– Họ hâm cỡ nào
– Ta và họ sẽ nuôi con như thế nào?
– Cả hai có thể sống cùng nhau kiểu gì
– Làm cách nào để cả hai vẫn là bạn của nhau
#7. Ta muốn đóng băng hạnh phúc
Chúng ta có một thôi thúc tai họa và tuyệt vọng là làm cho những điều tốt đẹp thành vĩnh cữu. Ta muốn có chiếc xe ta thích, ta muốn sống ở nơi ta từng khoái khi tới đó du lịch. Và ta muốn cưới kẻ đã cho ta những thời khắc tuyệt vời.
Ta tưởng tượng rằng hôn nhân sẽ là một bảo đảm cho cái hạnh phúc mà ta đang hưởng với người ấy. Nó sẽ làm “vĩnh cửu” những thứ nếu không có nó thì có thể thành phù du. Nó sẽ giúp ta đóng hộp niềm vui – cái niềm vui ta đã cảm thấy khi lần đầu tiên nghĩ tới việc hỏi cưới ai đó: khi ấy ta đang ở Venice, giữa vịnh, trên một cái bo bo, với mặt trời chiều thảy những tia vàng trên mặt biển, viễn cảnh về bữa tối trong một nhà hàng hải sản nho nhỏ, người ta yêu với áo choàng cashmere trong vòng tay ta… Ta kết hôn để khiến cảm giác này được mãi mãi.
Rủi thay, hôn nhân chẳng có mối quan hệ nhân quả gì với loại cảm giác này. Cảm giác ấy được tạo ra nhờ Venice, nhờ một thời điểm nhất định, nhờ lúc không phải đi làm, nhờ một sự hứng thú trong bữa ăn tối, nbờ hai tháng mới quen ai đó…, chẳng có cái nào trong số đó được “hôn nhân” giúp gia tăng hay đảm bảo cho.
Hôn nhân không hề đông lạnh được khoảnh khắc đó. Khoảnh khắc ấy phụ thuộc vào chuyện ta chỉ mới quen đối tượng, ta không đi làm, ta đang phè phỡn trong một khách sạn xinh đẹp gần Grand Canal, ta vừa trải qua một buổi chiều dễ chịu ở bảo tàng Guggenheim, ta vừa xơi một cốc kem sô-cô-la Ý…
Việc lấy nhau chả có quyền năng gì để giữ một mối quan hệ trong giai đoạn tốt đẹp ấy (mãi). Nó không hề nắm giữ những nguyên liệu để hạnh phúc ta được thế. Đúng ra, hôn nhân sẽ dứt khoát chuyển mối quan hệ của ta đến một thời điểm rất khác, hoàn toàn khác: một căn nhà ở khu ngoại ô, xa chỗ làm, hai đứa con nhỏ. Cái nguyên liệu chung duy nhất (của hai thời điểm ấy) là người mà ta cưới. Và không chừng đây chính là thứ nguyên liệu sai mà ta đem đóng hộp.
Các họa sĩ Ấn tượng của thế kỷ thứ 19 có một triết lý ngầm về sự nhất thời, triết lý đó hướng ta theo một nẻo khôn ngoan hơn. Họ chấp nhận rằng tính nhất thời của hạnh phúc là một đặc điểm cố hữu của tồn tại, và đến lượt mình, họ có thể giúp ta trở nên yên bình hơn với điều này. Bức tranh (dưới đây) vẽ một cảnh mùa đông ở Pháp của Sisley tập trung vào một loạt những thứ hấp dẫn nhưng cũng rất chóng tàn. Vào lúc chạng vạng, mặt trời gần như át hết cả khung cảnh. Chỉ trong một thoáng, ánh rực rỡ của bầu trời khiến những cành cây trụi lá trông bớt thảm hại. Tuyết trắng và những bức tường xám mang một sự hài hòa yên tĩnh; cái lạnh có vẻ chịu được, thậm chí còn hơi thú nữa. Vài phút sau đó, màn đêm sẽ buông xuống.
Bức “The watering place at Marly-le-Roi,” 1875, Alfred Sisley.
Trường phái Ấn tượng quan tâm đến một sự thật: rằng những gì ta thương yêu nhất đều thay đổi, đều chỉ ở bên ta một thời gian rất ngắn và rồi biến mất. Tranh ấn tượng thường ca tụng loại hạnh phúc tồn tại có vài phút, hơn là loại tồn tại nhiều năm. Trong bức tranh của Sisley, tuyết trắng trông thật yêu kiều, nhưng tuyết sẽ tan. Bầu trời lúc đó đẹp đấy, nhưng trời sắp tối đến nơi. Phong cách nghệ thuật này nuôi dưỡng một kỹ năng vượt lên khỏi bản thân nghệ thuật: kỹ năng chấp nhận và tham dự những khoảnh khắc thỏa mãn ngắn ngủi.
Những đỉnh cao trong đời thường chóng vánh. Hạnh phúc không đến với ta theo kiểu cả đống quanh năm. Với sự dẫn dắt của các họa sĩ Ấn tượng, ta nên sẵn sàng để biết ơn từng khoảnh khắc của thiên đường thường nhật bất cứ khi nào nó đến với ta, mà không phạm phải sai lầm nghĩ chúng là mãi mãi, và không cần phải biến chúng thành “hôn nhân”.
#8. Ta tin là mình đặc biệt
Ai cũng thấy trước mắt mình đầy ví dụ về các cuộc hôn nhân kinh hoàng. Họ đã thấy bạn bè họ cố cưới rồi cũng hỏng. Họ biết rất rõ rằng – nhìn chung – hôn nhân là đối mặt vô vàn thách thức. Nhưng ta lại không dễ gì áp dụng cái sự thấm thía ấy cho trường hợp của chính mình. Không chịu nghĩ ngợi thấu đáo về nó, ta cứ thế cho rằng những thứ ấy chỉ áp dụng cho kẻ khác.
Đó là do cái tỉ lệ thống kê đại khái cứ hai cuộc hôn nhân thì một cuộc đổ coi bộ cũng chấp nhận được, nhất là khi đang yêu, người ta cảm giác mình đã hạ gục được bao nhiêu thứ còn kỳ cục hơn. Kẻ đang yêu cảm giác cả triệu người mới có một đứa như mình. Với niềm đắc thắng ấy, trò đánh cược hỏi cưới ai đó có vẻ hoàn toàn “xử lý” được.
Chúng ta thầm lặng loại mình ra khỏi số đông. Ta không đáng trách vì chuyện này. Nhưng sẽ có lợi nếu ta can đảm nhìn ra, rằng ta cũng chung số phận với thiên hạ.
#9. Ta không muốn nghĩ về tình yêu nữa
Trước lúc kết hôn, có khả năng ta đã trải qua nhiều năm sống đời tình duyên trắc trở. Ta cố kết thân với người không ưa gì ta, ta hết hợp rồi lại tan, ta đàn đúm tiệc tùng không dứt, với hy vọng sẽ gặp được ai đó, và ta đã biết thế nào là hứng thú lẫn bẽ bàng cay đắng.
Chẳng lạ gì, vào một lúc nào đó, ta thấy thế là đủ lắm rồi. Một trong những lý do khiến ta kết hôn là vì ta muốn cắt đứt sự vắt kiệt của tình yêu lên tâm lý. Ta đã mệt nhoài vì những trò cải lương, những niềm run rẩy chẳng đi đến đâu. Ta nôn nóng chờ những thách thức khác. Ta hy vọng hôn nhân sẽ chấm dứt tuyệt đối sự cai trị đầy đau khổ của tình yêu lên cuộc sống ta.
Nhưng hôn nhân không và sẽ không chấm dứt được điều này; trong hôn nhân cũng có đầy nghi ngờ, hy vọng, sợ hãi, chối từ và lừa dối, nhiều không thua gì cuộc sống độc thân. Chỉ kẻ ngoài cuộc mới thấy hôn nhân yên ả, không sóng gió, và đáng chán đến dễ thương.
Kết
Việc chuẩn bị cho ta đi đến hôn nhân, lý tưởng ra, là nhiệm vụ giáo dục hoàn toàn về văn hóa. Ta đã ngừng tin vào kiểu hôn nhân thời phong kiến. Ta đã bắt đầu nhận thấy những hạn chế của hôn nhân lãng mạn. Giờ là thời của những cuộc hôn nhân tâm lý (chiến).