1. Người luôn cố làm hài lòng người khác
Người luôn “ngoan ngoãn” trong tình yêu thường sinh ra và lớn lên trong một gia đình được bao bọc quá mức hoặc cố bố mẹ khó tính, hay chỉ trích và yêu cầu khắt khe đối với con cái.
Khi còn nhỏ, bạn có luôn cố làm mọi thứ mà bố mẹ hài lòng và không bao giờ dám làm trái ý bố mẹ vì sợ bị la mắng không? Những đứa trẻ “ngoan” như vậy thường phải kiềm nén nhiều. Những hành động của họ không phải xuất phát từ sự thoải mái hay niềm yêu thích và hạnh phúc của bản thân mà chỉ cố dùng hết khả năng để làm vui lòng gia đình và người khác.
Thời thơ ấu đã hình thành nên một tính cách tiêu cực khi những “đứa trẻ ngoan” trưởng thành và bước vào 1 mối quan hệ, đó là: không dám bộc lộ bản thân. Họ thường né tránh các cuộc tranh luận bằng cách đồng ý những gì mà nửa kia muốn. Đôi khi, họ có thể không thành thật và thậm chí nói dối chỉ để trốn khỏi những tình huống dễ dẫn đến xung đột. Bởi khi lớn lên từ môi trường như vậy, họ học cách nhìn mặt người khác để hành động vì không muốn mất lòng ai. Họ thường tập trung quá nhiều vào người khác mà bỏ qua mất bản thân mình.
Nếu bạn mang kiểu tính cách này, hãy nhìn lại và trân trọng bản thân mình hơn thay vì cố làm những việc người khác mong muốn ở bạn, bạn không sống cho bất cứ ai và cũng không có ai có quyền đòi hỏi bạn làm gì. Quá “ngoan ngoãn” trong tình yêu sẽ chỉ khiến bạn mệt mỏi mà thôi.
2. Đóng vai “nạn nhân” trong một mối quan hệ
Những người lớn lên trong nghịch cảnh, trong một gia đình nhiều biến cố thường mang kiểu tính cách này. “Nạn nhân” luôn cố nghe lời và tuân thủ mọi việc vì họ muốn bản thân trở nên mờ nhạt và không muốn ai chú ý đến họ. Bởi họ đã quen với việc đối phó với bố mẹ hay giận giữ, thất thường và bạo lực bằng cách cuộn mình lại. Suốt thời thơ ấu, thực tại đối với họ là những đau khổ không ngừng. Vậy nên họ thường tạo ra một thế giới màu sắc khác trong tâm trí để chống lại những nỗi buồn ở hiện thực. Những người như vậy thường không quý trọng bản thân và thường chịu đựng những rối loạn lo âu hay thậm chí là trầm cảm.
Những người như vậy có khả năng cao sẽ rơi vào tình yêu với một người thích kiểm soát và đặt quy định cho người khác giống như bố mẹ họ. Vì cuộc sống của họ chưa bao giờ dễ dàng từ lúc ấu thơ, họ đã quen với việc chịu đựng những cảm xúc bị dồn ép. Nên ở một mối quan hệ bình lặng và an yên thường không làm họ hài lòng.
Nếu bạn mang kiểu tính cách này thì cần phải học cách quý trọng bản thân và biết đứng dậy khi bị đặt vào những tình huống bất lợi, thay vì để người khác điều khiển.
3. Một người thích kiểm soát trong tình yêu
Đây chính là người lúc nào cũng luôn thích quản người khác, luôn muốn người yêu làm theo ý mình. Họ thường lớn lên trong một hoàn cảnh đáng thương, một đứa trẻ không nhận được nhiều sự quan tâm, chăm sóc và bảo vệ từ bố mẹ mình. Vì vậy, ngay từ lúc còn chưa hiểu cuộc đời họ đã phải họ cách tự yêu thương bản thân và tự nắm lấy vận mệnh của chính mình. Họ bị ám ảnh bởi việc kiểm soát tất cả mọi thứ vì họ sợ nếu họ không làm điều đó, họ sẽ phải chịu đựng đau khổ.
Trong tình yêu, họ thường là người thích ra lệnh cho người yêu và muốn là “kèo trên” bởi việc này giúp họ tránh những cảm xúc sợ hãi bị bỏ rơi, không ai yêu thương mình. Người này thường rất cứng nhắc, bướng bỉnh và khó đoán, họ thường không muốn ra khỏi vùng an toàn, nơi mà họ có thể thể hiện được sự kiểm soát của mình. Họ thường chỉ muốn tự giải quyết mọi việc và muốn làm mọi thứ theo cách của họ, nếu bạn làm trái ý, họ sẽ rất dễ nổi giận.
Nếu như bạn là một người hay kiểm soát trong các mối quan hệ, hãy thử học cách bỏ qua cho người khác. Học cách tin tưởng người khác và cố nén những cơn giận.
4. Người dễ dao động
Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên với một cặp phụ huynh khó đoán và chóng thay đổi thường nghĩ rằng mình không phải là ưu tiên hàng đầu của bố mẹ và bắt đầu phát triển những nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Rồi khi bố mẹ có thời gian và quan tâm đến họ, họ lại bắt đầu đổi ý, giận giữ ngược lại bố mẹ và cảm thấy mệt mỏi khi phải nhận tình yêu thương.
Khi những đứa trẻ này trưởng thành và bắt đầu các mối quan hệ, họ luôn chọn những người yêu bù đắp lại cho những cảm xúc thiếu hụt khi họ còn nhỏ. Người này thường có xu hướng lý tưởng hoá các mối quan hệ của bản thân.
Nhưng những người như vậy thường dễ vỡ mộng và thất vọng trong tình yêu. Họ có thể là một người rất nhạy cảm và dễ dàng nhận thấy sự thay đổi nhỏ nhất từ người yêu. Một khi họ thấy có vấn đề xảy ra với mối quan hệ, họ nhanh chóng đặt những hiềm nghi và chán nản về người kia. Họ hay hiểu nhầm ý của người yêu và phải chịu đựng những tranh cãi liên tục gây mệt mỏi tinh thần và cảm xúc.
Nếu bạn là một người dễ dao động trong tình yêu, hãy thử nhìn lại và sửa chữa tốc độ bước vào mối quan hệ của bản thân. Hãy chậm rãi tìm hiểu một người trước khi yêu họ, đừng quá nhanh chóng yêu ai đó để rồi tự nhận thất vọng vì người đó không đạt đủ kỳ vọng của bạn.
5. Người tránh né
Nếu bạn là một người hay tránh né trong mối quan hệ, có thể bạn đã lớn lên từ một gia đình ít thể hiện tình cảm và coi trọng giá trị độc lập, tự chủ của mỗi cá nhân. Khi còn nhỏ, bạn đã phải tự chăm sóc bản thân mình và phải luôn tự giải quyết những vấn đề cá nhân thay vì có bố mẹ giúp đỡ.
Vậy nên bạn thường sẽ là người lý trí, nghiêng về mặt lý lẽ nhiều hơn là phân tích mối quan hệ dựa vào tình cảm. Bạn không thoải mái khi thấy những người xung quanh hay người yêu dễ dàng thay đổi cảm xúc ví dụ như buồn quá mức, bạn sẽ nghĩ người ấy như vậy thật yếu đuối.
Nếu như bạn muốn giữ một mối quan hệ dài lâu, hãy thử mở lòng và chia sẻ, bộc lộ cảm xúc thật sự của mình cho người bạn yêu thương nhé.